(HNM) - Đại đa số lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội hết hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài hồi hương đều có trình độ chuyên môn, tay nghề vững, biết giao tiếp bằng ngoại ngữ. Để chủ động khai thác nguồn nhân lực chất lượng, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối lực lượng lao động này với thị trường việc làm.
Cơ hội việc làm rộng mở
Đến hội chợ việc làm dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo hợp đồng về nước diễn ra ngày 15-10 vừa qua tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), phóng viên Báo Hànộimới gặp nhiều người có nhu cầu tìm việc làm. Anh Hoàng Chí Kiên, xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) cho biết, anh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc tại nước này (chương trình EPS) từ năm 2012, trở về nước vào đầu năm 2020 đúng hạn hợp đồng. Trong quá trình làm việc, anh Kiên tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng làm việc, nên muốn trở về làm gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. Tự tin vào khả năng của bản thân, anh Kiên ứng tuyển vào một công ty có vốn đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Còn anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) kể: "Trong thời gian làm việc tại Nhật Bản theo chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM JAPAN), tôi nhận được mức lương khá cao. Tuy nhiên tôi vẫn về nước đúng thời hạn để không làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường lao động Việt Nam với đối tác".
Là người xây dựng sự nghiệp thành công sau khi hết hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc về nước, anh Trần Hùng, ngõ 59, phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) khẳng định, thị trường trong nước luôn rộng mở cơ hội việc làm. Chủ động nắm bắt cơ hội này, hiện nay, anh Hùng trở thành nhà phân phối độc quyền nồi chiên không dầu thương hiệu Lotte tại Việt Nam; đồng thời có cửa hàng kinh doanh trái cây nhập khẩu Hàn Quốc trên phố Hoàng Cầu.
Đánh giá cao khả năng làm việc của lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tìm kiếm nguồn nhân lực này. Các phiên giao dịch, hội chợ việc làm chuyên đề dành riêng cho lao động từng đi làm việc ở nước ngoài do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức luôn thu hút khoảng 60-80 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Trong đó, hội chợ việc làm diễn ra ngày 15-10 thu hút 63 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia tuyển dụng 1.852 người ở vị trí quản lý, phiên dịch - biên dịch, nhân viên kỹ thuật, công nhân sản xuất, lễ tân, kế toán… Ông Kang MoonKyung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DT&C Vina (Khu công nghệ cao Hòa Lạc) cho hay: “Chúng tôi ưu tiên tuyển dụng một số kỹ sư điện, điện tử là người lao động hồi hương. Nếu đáp ứng tốt yêu cầu công việc, họ sẽ nhận được mức lương thỏa đáng”.
Thúc đẩy kết nối cung - cầu
Theo thống kê, trong những năm gần đây, Hà Nội có gần 10.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, tại Nhật Bản theo chương trình IM JAPAN. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã mang lại cơ hội việc làm tốt, giúp cải thiện đời sống cho người lao động, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Nổi cộm là một số người lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài sau khi hết hạn hợp đồng làm việc; một số người về nước lại không tìm được việc làm phù hợp, gây lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc…
“Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tính trạng này là vì người lao động lo lắng sẽ không tìm được việc làm ở quê hương; còn người sử dụng lao động chưa tiếp cận được với lực lượng đặc thù này”, ông Nguyễn Xuân Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phân tích.
Góp phần kết nối lực lượng lao động hồi hương với thị trường việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức được 12 hội chợ, phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản theo hợp đồng về nước đúng thời hạn. Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng website với địa chỉ https://vieclamthudo.today nhằm kết nối liên thông giữa các sàn, điểm giao dịch việc làm tại Hà Nội với các địa phương khác, giúp người lao động dù ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể tham gia tuyển dụng...
Tuy nhiên, yếu tố quyết định để cung - cầu lao động gặp nhau là ở mức lương thỏa thuận giữa hai bên và khả năng đáp ứng được yêu cầu về công việc của người lao động. “Vì thế, người lao động muốn nhận được lương thỏa đáng khi trở về, thì bản thân họ phải nỗ lực không ngừng để có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, khiến doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng mức lương họ đưa ra”, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhắn nhủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.