(HNM) - Ngay sau khi xuất hiện ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp cả nước, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thủ đô sớm chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch để duy trì và giữ vững nhịp sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp chủ động phòng, chống dịch
Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nơi có hàng vạn lao động đang làm việc, các phương án phòng, chống dịch đã được tái khởi động. Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, tất cả cán bộ, công nhân viên đều phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cơ quan; các nhà xưởng được khử trùng, vệ sinh thường xuyên.
Tương tự, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội đã áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, như đo thân nhiệt, yêu cầu cán bộ, công nhân khai báo y tế, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tổ chức phun tẩy trùng văn phòng, nhà xưởng, xe nhập hàng... Ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết, nhiệm vụ phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu, bởi công nhân an toàn thì doanh nghiệp mới duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch như những đơn vị khác, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam đã bố trí các phân xưởng ăn ca theo giờ khác nhau để hạn chế tập trung đông người. “Về cơ bản các phân xưởng sản xuất của công ty rộng, dây chuyền sản xuất lớn nên luôn bảo đảm việc giãn cách người lao động”, bà Hồ Thị Thu Hiền, Giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam thông tin. Còn theo ông Bùi Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, lãnh đạo công ty đã thành lập bộ phận chuyên trách phòng, chống dịch Covid-19. Bộ phận này có trách nhiệm triển khai các biện pháp rà soát, yêu cầu người lao động khai báo y tế; sàng lọc người về từ vùng dịch để thực hiện cách ly, giám sát theo quy định của Bộ Y tế và thành phố. “Quan điểm của công ty là bảo vệ, giữ ổn định lực lượng lao động, nên công tác phòng, chống dịch luôn được chú trọng, thực hiện nghiêm túc”, ông Bùi Đức Huy chia sẻ.
Cũng là đơn vị có số lao động lớn, khoảng 1.400 người, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam Chi nhánh Hà Nội đã bố trí khu vực khử khuẩn, máy đo thân nhiệt và tổ chức khai báo y tế trực tuyến trước khi vào nhà máy. Tại các xưởng sản xuất, công nhân đều được yêu cầu phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn... Ông Nguyễn Ngọc Quang, cán bộ Phòng Nhân sự của công ty cho biết, trường hợp nhân viên không tuân thủ quy định, công ty kiên quyết không cho vào làm việc.
Không để dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện có 669 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, với khoảng 17 vạn lao động; công tác phòng, chống dịch Covid-19 được các doanh nghiệp quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Đến nay, các doanh nghiệp đều duy trì phun thuốc khử khuẩn tại văn phòng, nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh chung. Từng nhóm, xưởng sản xuất được bố trí lối đi riêng, bố trí lệch ca làm việc, để hạn chế tiếp xúc. Việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy phép lao động, cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa… được thực hiện trực tuyến để hạn chế tập trung đông người.
Để bảo đảm an toàn cho người lao động, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã có Văn bản số 3344/SCT-QLCN gửi các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn hướng dẫn triển khai phòng, chống dịch Covid-19 theo Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 26-7-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Về vấn đề này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Thành ủy Hà Nội chỉ đạo rõ, các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch theo chỉ đạo của Trung ương, để cập nhật vào kịch bản phòng, chống dịch của thành phố, với tinh thần là vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế”.
Mới đây, chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo 8 giải pháp, 5 nhiệm vụ cấp bách đối với thành phố Hà Nội trong phòng, chống dịch. Trong đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống.
Có thể thấy, ngay từ khi nước ta có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng vào cuối tháng 7-2020, các cấp, ngành thành phố Hà Nội và cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng kích hoạt trở lại hệ thống phòng, chống dịch. Với tinh thần chủ động, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tốt việc nâng cao nhận thức của người lao động về phòng, chống dịch, tạo môi trường làm việc an toàn, vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.