(HNM) - Cùng với sự phát triển của internet, hiện nay mạng xã hội là
Các cấp ủy đảng đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn thông tin xấu. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt chi bộ tổ dân phố số 5, phường Yết Kiêu (quận Hà Đông). Ảnh: Linh Ngọc |
Ngày càng nhiều và tinh vi
“Một tài xế xe Camry đi qua địa bàn xã Quang Phú (Đồng Hới) và va chạm với một ô tô vận tải, sau đó rút súng bắn chết hai người đi trên xe tải rồi trốn chạy”. “Thông báo đến toàn thể anh em trên cả nước, ai thấy chiếc xe màu này mang biển số 29D-XXX.54, trên xe có một nam, một nữ. Đây là xe chuyên lừa đảo và bắt cóc trẻ em. Hôm qua vào lúc 13h30 chúng lừa ở chợ Con Cuông và bắt trật một em nhỏ ngay trước cổng chợ Con Cuông. Bị phát hiện nên chúng đã chạy mất…”.
Những thông tin nêu trên xuất hiện trên mạng xã hội vừa qua là bịa đặt và người tung tin đều đã bị cơ quan chức năng phạt hành chính từ 10 đến 25 triệu đồng, phải nhận lỗi và tự gỡ thông tin đã đăng tải… Tuy nhiên, trước đó, các thông tin đã được lan truyền nhanh chóng sau khi chủ nhân của chúng đăng tải trên trang thông tin cá nhân. Hàng nghìn người, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên đã thể hiện quan điểm “Like” (thích), nhiều người trong số đó còn nhiệt tình “Share” (chia sẻ) tạo dư luận xôn xao, bất an.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), chỉ riêng trên Youtube hiện có khoảng 15 kênh đã đưa khoảng 8.000 video có nội dung bôi xấu cá nhân, xuyên tạc sự thật, phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam. Đáng lo ngại là các thông tin xấu, độc này đã có tới trên 500 triệu lượt xem; các kênh này cũng có hơn một triệu tài khoản đăng ký theo dõi thường xuyên…
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng Facebook nhiều nhất. Trong khi đó, Facebook là môi trường “lây lan” thông tin xấu, độc nhanh và mạnh nhất. Trong đó, thông tin xấu, độc phổ biến nhất là lợi dụng các thông tin tiêu cực, chống tiêu cực được báo chí trong nước đưa trên mạng để thêm thắt, xuyên tạc nhằm bôi nhọ cá nhân, chống phá Nhà nước Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Nguy hiểm và tinh vi hơn, gần đây, nhiều trang Facebook phản động đang giả dạng là những trang tin "tử tế" để tiếp cận người dùng, tăng số lượng người đăng ký theo dõi thường xuyên. Các trang này thường đưa những nội dung “câu view” nhằm “đánh lạc hướng” rồi đan cài những nội dung phục vụ ý đồ xấu của chúng. Người dùng phải thật hiểu biết mới phân biệt được thông tin xấu, độc này.
Còn lơ là, mất cảnh giác
Trong khi thông tin xấu, độc ngày càng nhiều và tinh vi, khó nhận biết thì không ít cán bộ, đảng viên lại chủ quan, mất cảnh giác dễ bị rơi vào “bẫy” của những kẻ cơ hội, phản động. Trên Facebook của một số cán bộ, đảng viên cũng đã có hiện tượng viết, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Họ cố tình làm việc đó hay là do ấu trĩ?
Về thực trạng này, Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa Nguyễn Anh Cường chia sẻ: “Cán bộ, đảng viên của quận cơ bản có ý thức, khi tiếp cận thông tin trên mạng biết nội dung đúng, sai; tuy nhiên cũng có một số ít cổ xúy cho những thông tin sai trái. Thực tế, chúng tôi đã từng phải xử lý một số trường hợp. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”.
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Phương Kiến Quốc cho biết, đã không ít lần phải tổ chức đối thoại trực tiếp, áp dụng những biện pháp giáo dục, thậm chí là đấu tranh tư tưởng với một số đảng viên lan truyền những thông tin xấu, độc trên mạng.
Trong khi đó, sự quan tâm, nhận thức của không ít cấp ủy về tính chất nguy hiểm, những nguy cơ bất ổn mà thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội còn khá hạn chế. Trao đổi với chúng tôi, cán bộ tuyên giáo ở một số đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội vẫn coi việc theo dõi, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua mạng xã hội là việc của cơ quan an ninh; rằng chưa có cơ chế để cán bộ tuyên giáo làm việc đó. Mọi thông tin về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn chủ yếu được nắm bắt thông qua đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội. Thực tế, hầu như chưa có cấp ủy nào xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án riêng nhằm trang bị cho cán bộ, đảng viên khả năng “miễn dịch” với thông tin xấu, độc từ internet, mạng xã hội…
Trước thực trạng trên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã nhận định: “Nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” …; “Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần thấy rõ nguy cơ từ thông tin xấu, độc để có giải pháp đối phó phù hợp.
Khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng nhằm mục đích: Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.