Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón đầu

Văn Ngọc Thủy| 15/05/2020 05:42

(HNM) - Thời gian qua, Việt Nam luôn là điểm sáng về thu hút đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Đã có rất nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam. Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, song trong 4 tháng đầu năm 2020, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn đạt tín hiệu khả quan với khoảng 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016-2018.

Hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được thế giới đánh giá ngày càng cao do giữ vững sự ổn định chính trị, sự năng động trong đổi mới và tốc độ phát triển nhanh. Những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua càng làm tăng thêm niềm tin về một điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch. Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Đặc biệt, cùng với thành công trong phòng chống dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ chính sách giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó cũng là điểm cộng thu hút FDI trong thời gian tới.

Như vậy có thể thấy, cơ hội đón sóng đầu tư đang dịch chuyển về Việt Nam đã sẵn sàng. Tuy nhiên để làm được điều này chúng ta phải tiếp tục duy trì sự ổn định và có những giải pháp nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao hơn nữa.

Vấn đề đầu tiên là cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đã cam kết, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế, cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển…

Trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn FDI sẽ suy giảm nếu chúng ta vẫn chỉ dựa vào nhân công giá rẻ làm lợi thế cạnh tranh. Đã đến lúc cần có chiến lược để tối đa hóa những lợi ích từ nguồn vốn FDI, trong đó chú trọng đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần phải làm ngay, theo cách căn cơ và bài bản. Theo đó, cần có chính sách thúc đẩy nhanh chóng việc đào tạo lại cho người lao động để thích ứng với các thay đổi của khoa học công nghệ đồng thời hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo bám sát xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần tập trung các nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ các quy hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, lựa chọn địa điểm và lĩnh vực đầu tư: Tăng cường công tác quản lý quy hoạch; hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình tiếp nhận, xem xét, thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường; nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, cảng biển, điện, nước, các ngành công nghiệp phụ trợ và hạ tầng xã hội, dịch vụ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp, địa phương cần chủ động kết nối với các nhà đầu tư; kết nối với nhau để hình thành chuỗi cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài...

Sau đại dịch, các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Bởi vậy, Việt Nam cần nắm bắt thời cơ vàng này để chủ động đón đầu, phục hồi và tăng tốc phát triển khi là một trong số ít những nền kinh tế đã sớm kiềm chế được dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.