(HNM) - Trong thời gian qua, công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh tình hình nhân dân và dư luận xã hội được MTTQ các cấp TP Hà Nội chú trọng.
Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) vận động nhân dân phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trồng cây ăn quả. |
Giải quyết các vấn đề từ cơ sở
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mê Linh Hoàng Văn Tân cho biết: Nhờ bám sát địa bàn dân cư, cán bộ mặt trận đã kịp thời nắm bắt tình hình, định hướng dư luận trong nhân dân và giúp cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Nhờ đó, đã kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra tranh chấp đất đai tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên; tại nhà thờ Họ giáo Thạch Đà, xã Thạch Đà và xã Tiền Phong. Cán bộ mặt trận còn làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai dự án mở rộng Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước, xã Thanh Lâm; giải phóng mặt bằng tại Đường 5 thị trấn Chi Đông…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: Là địa phương triển khai nhiều dự án lớn của thành phố, lãnh đạo xã xác định phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân thì mới thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, MTTQ xã đã tổ chức gần 50 buổi tuyên truyền, vận động hơn 4.000 hộ nhận tiền đền bù, giải phóng thành công hơn 400ha đất mà không phải cưỡng chế.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phúc Thọ Tô Văn Sáng cho biết: Từ năm 2014 đến nay, MTTQ Việt Nam huyện phối hợp tốt với các phòng, ban, ngành của huyện tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nhờ đó, nhiều vấn đề nhân dân đề xuất, kiến nghị liên quan đến phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, quản lý đất đai và những bức xúc trong dân được giải quyết kịp thời, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cán bộ mặt trận phải tạo được niềm tin
Thực hiện Kết luận 100-KL/TƯ, ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư Trung ương về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội và Đề án 01/ĐA-MTTƯ-BTT ngày 5-5-2015 về “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, MTTQ các cấp thành phố đã góp phần giải quyết nhiều việc lớn, việc khó, liên quan trực tiếp đến người dân.
Tuy nhiên, do một bộ phận cán bộ mặt trận còn thụ động, dẫn đến chất lượng thông tin thu được còn chung chung, thiếu chiều sâu, chưa kịp thời, tính dự báo chưa cao. Nhiều nơi còn nặng về nghe, nhẹ về tiếp thu, ít thông tin phản hồi… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hào Quang, thành viên Hội đồng tư vấn Tổng hợp và Phân tích dư luận xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho rằng: Để khắc phục những hạn chế trên, MTTQ Việt Nam các cấp cần tổ chức tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên của mình nhằm trang bị kỹ năng điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tổng hợp và Phân tích dư luận xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, MTTQ Việt Nam các cấp cần xây dựng quy chế với cộng tác viên. Ngoài ra, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, cần coi trọng công tác đối thoại trực tiếp, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Xác định tầm quan trọng của công tác định hướng dư luận xã hội trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ mặt trận phải tạo được uy tín, niềm tin trong nhân dân để dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. “Chỉ cần 10% cán bộ mặt trận cơ sở cung cấp mỗi ngày một thông tin, thành phố sẽ có một lượng thông tin lớn. Vì vậy, mỗi cán bộ phải tranh thủ nắm bắt dư luận xã hội qua các kênh như: Các tổ chức thành viên, đội ngũ cộng tác viên, các cuộc tiếp xúc cử tri, hội nghị đại biểu nhân dân, giám sát và phản biện, đơn thư khiếu nại, tố cáo, thông tin báo chí...” - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu.
Địa bàn dân cư yên ổn, dân chủ được phát huy thì lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền sẽ vững chắc, mọi công việc sẽ giải quyết một cách đồng thuận. Để làm được điều này, đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp sẽ phải gắn bó hơn với địa bàn. Không chỉ dừng lại ở bám, nắm, mà mỗi cán bộ mặt trận, nhất là thành viên các ban công tác mặt trận ở cơ sở phải có kiến thức để đánh giá, tổng hợp và phân tích sâu những vấn đề mà dư luận nêu, từ đó có điều chỉnh và định hướng đúng, giải quyết dứt điểm các khiếu kiện kéo dài, góp phần tạo niềm tin của nhân dân. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho công tác mặt trận trong giai đoạn mới để hình thành một đội ngũ cán bộ có tư duy mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.