Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động để bảo đảm sự ổn định

Đức Anh| 25/08/2015 06:53

(HNM) - Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, sáp nhập, hay những biến động tỷ giá liên tiếp trong mấy tuần gần đây đã khiến



Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, việc đẩy mạnh tiến trình sáp nhập, tái cơ cấu ngân hàng là việc cần thiết để hệ thống ngân hàng khỏe mạnh, còn với tỷ giá, những bước đi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kịp thời, nhằm ứng phó với những biến động của nền kinh tế thế giới…

Giao dịch với khách hàng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Trần Hải


Không còn tốc độ "rùa" như năm trước, kể từ đầu năm đến nay, công cuộc "thay máu" ngân hàng diễn ra với tốc độ "chóng mặt". Từ tái cơ cấu đến sáp nhập, hay NHNN mua lại ngân hàng với giá 0 đồng, với nhiều cái tên bị biến mất trong hệ thống. Chưa khi nào thị trường lại "nóng" đến thế, bởi người vui không ít, nhưng kẻ buồn cũng nhiều. 3 ngân hàng bị rơi vào "cái rổ" 0 đồng của NHNN là Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) cũng đồng nghĩa toàn bộ cổ đông của các ngân hàng này phải trắng tay. Tất cả những mã cổ phiếu này đều từng có một thời "khuynh đảo" trên thị trường chứng khoán dưới cái mác ngân hàng. Thế nhưng, thời kỳ "hào quang" của loại cổ phiếu mang họ ngân hàng đã hết, sau hàng loạt những biến động của hệ thống này.

Với những nhà đầu tư khác lại mong được sở hữu cổ phiếu của các ngân hàng bị sáp nhập, bởi khi đó cổ phiếu sẽ được đổi ngang sang ngân hàng nhận sáp nhập hầu hết là những ngân hàng lớn. Thương vụ Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) là một ví dụ điển hình, quyền lợi của toàn bộ cổ đông MHB không những không bị mất mát, mà cổ đông còn được đổi ngang cổ phiếu MHB sang cổ phiếu BIDV.

"Cơn sóng" sáp nhập dồn dập, những thương vụ sàng lọc, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng liên tiếp diễn ra từ đầu năm đến nay. Sau BIDV nhận MHB, Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) nhận Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) về với Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank)…, mới đây, người ta lại được chứng kiến thêm một thương vụ khác mang tên Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Những cái tên ngân hàng bị mua với giá 0 đồng hay ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt chưa kịp qua đi, "cơn lốc" tỷ giá lại đến. 2 lần điều chỉnh tỷ giá trong tháng 8, cộng với 2 lần điều chỉnh trước đó, với 4 lần thay đổi trong năm 2015, thị trường tiền tệ có không ít biến động. Từ ngưỡng 21.000 VND/USD, thậm chí còn thấp hơn, giá USD đã leo lên mức hơn 22.500 VND/USD. Sự "leo thang" của giá USD đã kéo theo sự tăng giá của hầu hết các loại ngoại tệ khác, từ EUR, GBP…

Ngành chức năng lý giải sự biến động này là việc không thể không làm trước 3 đợt giảm giá liên tiếp của đồng nhân dân tệ (Trung Quốc) hay những quyết định của nền kinh tế đầu tàu thế giới - Mỹ. Song, quyết định này của NHNN lại được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao, bởi tính cần thiết và kịp thời.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, biện pháp điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN là bước đi đúng hướng, chủ động, phản ứng nhanh chóng trước diễn biến môi trường bên ngoài. WB lưu ý, mục tiêu lâu dài Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng các khoảng đệm chính sách và củng cố nền tảng vĩ mô nhằm nâng cao khả năng chống đỡ và phục hồi của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài. Biện pháp mở rộng biên độ tỷ giá và giảm giá đồng tiền vừa qua của NHNN là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá, góp phần ổn định thị trường tài chính.

Đây là bước đi đúng hướng và chủ động của NHNN sau khi đánh giá các yếu tố bên ngoài và thậm chí đã tính đến các tình huống có thể xảy ra trong thời gian tới như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút gói nới lỏng định lượng. Điều cần làm hiện nay của NHNN là tiếp tục tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn, đó là kinh tế vĩ mô cần có khả năng chống đỡ và phục hồi tốt, ổn định và có nền tảng vững chắc. Điều quan trọng là trong công tác hoạch định điều hành chính sách trong thời gian tới, NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra, ví dụ như diễn biến của đồng NDT, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời để các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn. Về thời điểm, WB cho rằng NHNN đã theo dõi và đánh giá chính xác diễn biến môi trường bên ngoài và đã có phản ứng nhanh chóng sau khi có đầy đủ thông tin cơ sở.

Cũng ủng hộ những quyết định của NHNN, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, IMF hoan nghênh biện pháp điều chỉnh tỷ giá vừa qua của NHNN cho phép tỷ giá linh hoạt hơn. Việc mở rộng biên độ tỷ giá giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các cú sốc bên ngoài và giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập, qua đó giúp Chính phủ đạt được mục tiêu lớn hơn là duy trì ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô nói chung. Việc tăng cường linh hoạt tỷ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của kinh tế Việt Nam, như việc tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động để bảo đảm sự ổn định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.