(HNM) - Mùa hè với những đợt nắng nóng gay gắt, cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao nhất trong năm. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng lượng nước sạch hè năm nay có thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tăng 10% so với ngày thường. Mặc dù vậy, các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cấp nước sạch dịp hè cho nhân dân.
Nguồn cung đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng 10%
Thông tin về việc cấp nước sạch trong mùa hè 2020, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, sau khi thực hiện xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án phát triển nước sạch, đồng thời mở rộng mạng cấp nước tới các hộ dân, đến nay nguồn nước sạch của thành phố đã được bổ sung thêm khoảng 623.000m3/ngày - đêm, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước của thành phố đạt 1.520.000m3/ngày - đêm.
“Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước tại các khu vực đã được đầu tư hệ thống cấp nước (100% khu vực nội thành và 75% khu vực ngoại thành) trung bình khoảng 1.150.000m3/ngày - đêm. Dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm 2020, nhu cầu sử dụng nước khoảng 1.250.000m3/ngày - đêm (tăng khoảng 10%). Như vậy, tổng công suất các nguồn cấp hiện nay hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch, đồng thời dự trữ cho phát triển, mở rộng mạng cấp nước nông thôn”, ông Hoàng Cao Thắng tính toán.
Ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin thêm, từ mùa hè 2019, về cơ bản khu vực đã đầu tư hệ thống cấp nước trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số địa bàn hệ thống cấp nước đã cũ, có cốt địa hình cao hoặc cuối nguồn có thể xảy ra hiện tượng nước chảy yếu do giảm áp lực khi đầu nguồn sử dụng nhiều. “Vì vậy, từ đầu tháng 2-2020, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch, giải pháp bảo đảm cấp nước trên địa bàn quản lý trong mùa hè, trong đó lưu ý việc bảo đảm áp lực nước cho điểm cuối nguồn”, ông Lê Văn Du cho biết.
Là địa bàn từng thiếu nước sạch vào mùa hè, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Đình Mạnh, số 95 phố An Xá, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, xác nhận: “Khu dân cư số 3 chúng tôi có khoảng 250 hộ, nằm ở cuối nguồn, lại có cốt địa hình cao, song từ mùa hè 2019, áp lực nước chảy về khá mạnh. Tình trạng thiếu nước sạch ở khu vực phố An Xá đã được khắc phục”.
Tuy nhiên, một trong những nỗi lo lớn vẫn chưa được giải quyết, đó là việc tuyến ống cấp nước sông Đà nếu tiếp tục bị vỡ sẽ ảnh hưởng tới khoảng 7 vạn hộ dân khu vực quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Cầu Giấy… Theo ông Lê Văn Du, vấn đề này chỉ được giải quyết triệt để khi hoàn tất đầu tư tuyến ống truyền dẫn thứ hai.
Chủ động giải pháp khắc phục sự cố
Để chủ động sản xuất, cấp nước sạch cho địa bàn 15 quận, huyện, trong đó cấp nước trực tiếp đến hơn 2/3 khu vực nội thành (các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, một phần Nam Từ Liêm...), ông Trần Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cho biết, từ tháng 2-2020, Công ty đã tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ xử lý nước nhằm bảo đảm các nhà máy, trạm sản xuất cấp nước ổn định. Công ty cũng đã rà soát các khu vực khó khăn về nước, khu vực cốt địa hình cao và xây dựng phương án vận hành mạng khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, khi có sự cố về mạng và nguồn...
“Hiện nguồn nước công ty tự sản xuất là 600.000m3/ngày - đêm, dự phòng 150.000m3/ngày - đêm và tiếp nhận nguồn nước mặt sông Đuống, sông Đà khoảng 90.000-150.000m3/ngày - đêm. Trong khi nhu cầu sử dụng nước trung bình mùa hè trên địa bàn đơn vị phụ trách khoảng 700.000m3/ngày - đêm, vào đợt nắng nóng dự báo có thể tăng 5-10%. Với nguồn trên, Công ty cơ bản bảo đảm cấp nước ổn định”, ông Trần Quốc Hùng cho hay.
Cũng là địa bàn có lượng khách hàng lớn, lại sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, ông Đinh Hoàng Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viwaco cho biết, sau khi Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ đi vào hoạt động năm 2019, áp lực đầu nguồn cấp cho địa bàn đã được nâng lên, bảo đảm cấp nước đến các khu vực bất lợi. Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố đường truyền dẫn, sẽ có 8 khu vực khó khăn về cấp nước gồm: Phường Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt (quận Thanh Xuân); Định Công, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai); phố Trần Bình (quận Cầu Giấy); đường Đồng Bát, khu vực đường K2 Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm). “Chúng tôi đã xây dựng phương án tăng cường bổ sung nguồn nước khác thay thế, vận hành mạng lưới cấp nước theo khu vực (cấp nước luân phiên), cấp bổ sung bằng xe stec...”, ông Đinh Hoàng Lân nêu giải pháp.
Về phía đơn vị vận hành Nhà máy Nước sông Đà, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) thông tin, đơn vị chủ động tăng cường tuần tra, phát hiện sớm các vị trí sự cố rò rỉ, vỡ trên tuyến ống truyền dẫn. Đồng thời, duy trì Đội ứng phó sự cố, chuẩn bị sẵn sàng vật tư, máy móc thiết bị, khắc phục sự cố trong vòng 24 giờ.
Theo ông Lê Văn Du, hiện Sở Xây dựng đang hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cấp nước hè trên địa bàn thành phố. Trong trường hợp xảy ra sự cố (rò rỉ, vỡ đường ống, sự cố nguồn nước), Sở Xây dựng sẽ điều tiết cấp nước giữa các nguồn, các công ty sản xuất, cung ứng nước nhằm duy trì lượng nước sạch cấp cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.