Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động chuyển đổi số trong giáo dục

Thống Nhất| 09/02/2023 06:21

(HNM) - Năm 2023, việc tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm nhằm chủ động ứng phó, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học trong điều kiện bất thường. Cùng với cả nước, hiện các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chủ động lấp đầy những “khoảng trống” trong chuyển đổi số, qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Ba Đình) ứng dụng bài giảng điện tử giúp nâng cao chất lượng giảng dạy. Ảnh: Nguyễn Quang

Thành quả từ thách thức

Nhìn lại gần 2 năm học vừa qua, các chuyên gia, nhà giáo đều có chung nhận định, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Đây lại là giai đoạn toàn ngành bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những khối lớp đầu tiên. Tuy nhiên, thách thức ấy lại thúc đẩy các nhà trường chủ động tìm giải pháp thích ứng để việc dạy và học không bị gián đoạn.

Tháng 6-2020, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá việc dạy và học trực tuyến và đây cũng là lần đầu tiên toàn ngành dạy, học trực tuyến một cách bài bản và rộng rãi. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến chiếm từ 36% đến 88%, tùy địa bàn. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, cùng với chủ trương của Chính phủ, những tác động của dịch Covid-19 đã trở thành cú hích mạnh mẽ, buộc toàn ngành phải chuyển đổi số nhanh chóng để thích ứng với tình thế bất ngờ và đặc biệt chưa từng có.  

Trong thời gian không dài, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số. Đến năm 2022, toàn ngành đã có kho dữ liệu bài giảng điện tử với gần 7.000 bài giảng cho tất cả trình độ đào tạo, từng môn học của từng khối lớp... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông; kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%) và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên (đạt 95%). Bộ đang nỗ lực để hoàn thiện cơ sở dữ liệu của 100% giáo viên, học sinh trong năm 2023.

Tiên phong về chuyển đổi số

Việc tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi số là giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020. Với vị thế là Thủ đô, có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm tiên phong về chuyển đổi số.

Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu, tạo sự lan tỏa trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học, đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã xây dựng được “bộ nhớ dùng chung” phục vụ quản lý, điều hành từ phòng tới từng nhà trường.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ, xác định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, phòng đã tham mưu UBND quận ban hành đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho toàn ngành giai đoạn 2021-2025 để định hướng thực hiện, cũng là căn cứ cho các nhà trường xây dựng lộ trình, bố trí kinh phí đầu tư. Đã có gần 20 phần mềm hỗ trợ quản lý, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá được ban hành, áp dụng, góp phần cải thiện vị trí xếp hạng chất lượng giáo dục của quận năm học 2021-2022 lên vị trí thứ 3 của thành phố Hà Nội, tăng 3 bậc thi đua so với năm học trước.

Trong khi đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đã tập trung cho công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, bởi đây là lực lượng nòng cốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, với sự hỗ trợ của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình, tháng 1-2023, đội ngũ cán bộ, giáo viên của huyện Ba Vì đã được trực tiếp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này. Nhờ đó, các nhà trường đều tự tin, quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực xây dựng bài giảng điện tử để hỗ trợ việc học của học sinh, nhất là trong việc giao bài tập về nhà, các bài tập dự án, thực hành...

Để ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022-2023, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024. Kỳ tuyển sinh năm học trước, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký qua kênh này, góp phần tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Việc phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội tăng cường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động chuyển đổi số trong giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.