Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động các giải pháp

Thế Văn| 06/10/2021 06:07

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất vụ đông 2021 ở thành phố Hà Nội càng có ý nghĩa hơn, không chỉ bảo đảm nguồn cung nông sản cho thị trường, mang lại nguồn thu cho người nông dân mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng để cùng với nông nghiệp cả nước tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế.

Định hướng về sản xuất vụ đông 2021, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương xây dựng cơ cấu cây trồng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế; chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, rải vụ và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân... Trên cơ sở này, Hà Nội cũng đã sớm điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng diện tích (tổng diện tích vụ đông trên địa bàn thành phố là 32.548,4ha, tăng 2.859,3ha so với kế hoạch đầu năm); điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, an toàn thực phẩm và hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, với vụ đông năm nay, Hà Nội và nhiều địa phương đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ thời tiết diễn biến bất thường đến những biến động về thị trường, giá vật tư nguyên liệu cho sản xuất nông nghiệp tăng cao… Do vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã, người nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả của vụ sản xuất này.

Để vụ đông 2021 thắng lợi, trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai những giải pháp cần thiết để bảo đảm cây trồng đúng thời vụ. Đặc biệt, với những địa phương bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, cần tập trung các nguồn lực chạy đua với thời gian, sao cho không bị lỡ kế hoạch sản xuất. Cần lưu ý thêm, việc hỗ trợ giá giống, phân bón… cho các hợp tác xã, nông dân hiện đang được triển khai. Vì thế, các địa phương cần sát sao với tình hình sản xuất, bảo đảm việc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng để không gây lãng phí nguồn lực này; đồng thời có phương án cung ứng vật tư, nguyên liệu linh hoạt và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Dựa trên dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, ngành Nông nghiệp cần sớm triển khai giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ và bảo đảm nguồn nước tưới dưỡng cho cây trồng cũng như chủ động việc phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát kỹ kế hoạch sản xuất, chủ động bố trí thời vụ với cơ cấu cây trồng phù hợp... Trong đó, cần chú trọng việc trồng rải vụ các loại rau để ổn định nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm vụ đông có thể có những diễn biến bất thường do ảnh hưởng của dịch bệnh, vì thế, Hà Nội và các địa phương cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu, liên kết với đối tác nước ngoài tạo thị trường xuất khẩu ổn định; đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, người nông dân theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực bảo quản chế biến…

Chủ động, đồng bộ triển khai các giải pháp để bảo đảm sản xuất an toàn trước dịch bệnh, cùng với quyết tâm cao, tin tưởng rằng, vụ đông của Hà Nội không chỉ tăng diện tích, tăng giá trị trên diện tích canh tác mà còn tạo bước phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.