Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

Ngọc Quỳnh| 28/02/2023 17:03

(HNMO) - Thời gian gần đây, tại Campuchia, đã phát hiện ca tử vong trên người do vi rút cúm gia cầm A/H5N1 gây ra. Điều này gây ra lo ngại cho người chăn nuôi trong nước và người tiêu dùng. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng.

Nguy cơ bùng phát dịch lớn

Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 3 tỉnh: Nghệ An, Quảng Ninh và Ninh Bình. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 2 tỉnh Nghệ An và Ninh Bình chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 50%, số gia cầm phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 73,23%. Tuy nhiên, tổng đàn gia cầm cả nước lớn, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cúm gia cầm vẫn còn rất lớn.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện đàn gia cầm cả nước khoảng 523,6 triệu con, trong đó, đàn gà có trên 420 triệu con (chiếm 80%), đàn thủy cầm có trên 103 triệu con (chiếm 20%). Trong khi đó, diễn biến của dịch cúm gia cầm rất phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao do chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin. Bên cạnh đó, vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8,...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%).

Việc giao thương buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong nước cũng tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, giết mổ nhỏ lẻ còn rất phổ biến. Hiện nay, cả nước còn trên 22.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm còn xảy ra tại các tỉnh biên giới; thời tiết diễn biến cực đoan, mưa lũ, chuyển lạnh làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm để hạn chế dịch bệnh phát sinh

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn với khoảng 38,5 triệu con. Hiện nay, dịch bệnh cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát, nhưng nguy cơ bùng phát rất lớn do chăn nuôi của Hà Nội còn nhỏ lẻ. Việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ rất lớn. Một số nơi, chính quyền địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh...

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, để hạn chế dịch bệnh gia cầm phát sinh, trang trại chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, trang trại thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp các đơn vị, ban, ngành có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội. Cùng với đó, duy trì hoạt động của các Chốt kiểm dịch động vật liên ngành, Trạm kiểm dịch đúng theo quy định; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát sau tiêm phòng vắc xin. Mặt khác, tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên các phương tiện truyền thông để người chăn nuôi biết và có biện pháp phòng, chống theo quy định.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện tiêm phòng đầy đủ, kịp thời vắc xin cúm gia cầm để bảo vệ đàn vật nuôi; đồng thời, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của Luật Thú y khi có hiện tượng gia cầm ốm chết bất thường tại cơ sở chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virút cúm gia cầm A/H5N1, nhưng người dân cần bình tĩnh, tránh làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị thành viên không vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm đang được bày bán tràn lan trên hè phố dưới danh nghĩa "giải cứu" của các tư thương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh biên giới phía Nam...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.