(HNM) - Trong chiến dịch phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc tháng 12-1972, lực lượng kỹ thuật đã thể hiện ý chí, trí tuệ và lòng dũng cảm, tính chủ động, sáng tạo, không sợ gian khổ hy sinh.
Lực lượng Phòng không - Không quân bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, khí tài sẵn sàng chiến đấu. Ảnh tư liệu |
Trong cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên Linebacker II, lực lượng không quân Mỹ sử dụng gần 200 máy bay chiến lược B.52, tương đương gần 50% tổng số máy bay B.52 mà Mỹ có. Vấn đề khó khăn nhất khi chuẩn bị bước vào chiến dịch phòng không tháng 12-1972 là vũ khí trang bị kỹ thuật của Bộ đội Phòng không - Không quân rất đa dạng, nhiều chủng loại, đã qua nhiều năm chiến đấu, "tuổi thọ" quá niên hạn.
Để duy trì số vũ khí trang bị kỹ thuật luôn sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị Phòng không - Không quân phải thực hiện rất nhiều biện pháp. Đó là chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho công tác bảo đảm khí tài, các chuyên ngành kỹ thuật đã phân công, phân cấp cụ thể cho các cơ quan, cơ sở kỹ thuật, bảo đảm cho các đơn vị theo các phương án tác chiến; đồng thời, tổ chức kiểm tra, thực hiện nghiêm ngặt định kỳ vũ khí trang bị kỹ thuật. Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn chuẩn bị, hệ số kỹ thuật của tên lửa đã bảo đảm 83%, ra đa bảo đảm 94%, pháo phòng không 90-93%, máy bay tiêm kích 85-90%...
Để bảo đảm máy bay tiêm kích đạt 85-90% cho nhiệm vụ tác chiến chiến dịch 12 ngày đêm, mặc cho Không quân và Hải quân Mỹ tổ chức các đợt tấn công lớn trên cả hướng Hà Nội và Hải Phòng liên tục 24/24 giờ, Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng các phương án bảo đảm trang bị, bảo đảm khí tài ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho phương án chống tập kích đường không quy mô lớn, ngày càng gia tăng của Mỹ.
Không kể ngày, đêm dưới làn mưa bom, bão đạn, công tác bảo đảm kỹ thuật, các giai đoạn chuẩn bị bay, các phương án mang treo vũ khí hàng không, phương án phòng tránh, sơ tán, phương án cơ động sửa chữa, cứu kéo... được lực lượng kỹ thuật huấn luyện thuần thục. Các phương án bảo đảm trang bị, khí tài cho vũ khí trang bị kỹ thuật được Cục Kỹ thuật Quân chủng chỉ đạo kịp thời, trực tiếp cho từng giai đoạn, từng trận đánh.
Tháng 4-1972, địch mở cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đánh ra Hà Nội, Hải Phòng. Để chuẩn bị đạn tên lửa đánh B.52, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức công trường sửa chữa đạn gồm bốn dây chuyền cơ động. Đến hết tháng 11-1972, bốn dây chuyền đã sửa chữa được hơn 200 quả đạn có chất lượng tốt trên tổng số hơn 300 quả đạn hỏng từ các trung đoàn tên lửa phòng không đưa về.
Một số dây chuyền sửa chữa khối lẻ của Nhà máy A.31 triển khai ở vị trí của Nhà máy A.34 cũng đã sửa chữa được 600 khối lẻ có chất lượng tốt trên tổng số 1.000 khối lẻ hỏng, kịp thời cung cấp cho các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và lắp ráp. Việc tổ chức bảo đảm đạn tên lửa cho chiến dịch phòng không, đặc biệt là bảo đảm đạn cho ba khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa được tổ chức chặt chẽ. Do vậy, toàn chiến dịch, Hà Nội có 208 quả, bằng 2,16 cơ số; Hải Phòng có 173 quả, bằng 1,8 cơ số; Thanh Hóa có 1,5 cơ số.
Ngày 28-8-1972 diễn ra hội nghị kỹ thuật của Quân chủng rút kinh nghiệm về bảo đảm đạn tên lửa trong 5 tháng chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai và phổ biến lệnh của Tư lệnh bảo đảm đạn tên lửa cho đánh lớn. Sau đó, các tiểu đoàn kỹ thuật tên lửa phòng không đã cố gắng sản xuất, sửa chữa đạn để bảo đảm đủ theo quy định ở các tuyến. Ngoài ra, các dây chuyền lắp ráp tăng cường luyện tập sản xuất trong điều kiện ba ca liên tục, với năng suất khá cao, đủ đáp ứng yêu cầu tác chiến liên tục dài ngày của các tiểu đoàn hỏa lực.
Cuối tháng 10-1972, Quân chủng tổ chức các đoàn kiểm tra sẵn sàng chiến đấu chuẩn bị đánh B.52 của các đơn vị ở Hà Nội, Hải Phòng và kiểm tra các phương án sản xuất, tiếp đạn cho các tiểu đoàn hỏa lực, kết quả huấn luyện các dây chuyền sản xuất trong điều kiện liên tục ba ca tại các tiểu đoàn kỹ thuật; vị trí trận địa dự bị; số lượng đạn quy định ở các tuyến. Qua kiểm tra, các tiểu đoàn kỹ thuật đã tổ chức huấn luyện sản xuất đạn liên tục ba ca, có trận địa cơ bản, trận địa chủ động bảo đảm đủ số lượng đạn quy định ở 4 tuyến.
Thực tế đợt 1 của chiến dịch, trong các ngày 18, 19 và 20-12, các tiểu đoàn tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi nhiều máy bay B.52. Lượng tiêu thụ đạn tên lửa lên tới 171 quả, nhưng do được chuẩn bị từ trước ở các tuyến nên đã kịp thời cung cấp cho các tiểu đoàn hỏa lực. Đến đêm 21-12, số lượng đạn tên lửa ở các tiểu đoàn hỏa lực cạn dần. Căn cứ vào tình hình thực tế, Quân chủng quyết định tổ chức lại dây chuyền sản xuất đạn.
Mặt khác, ngay từ những ngày đầu chiến dịch, Quân chủng nhắc nhở các đơn vị, chỉ dành đạn tên lửa đánh B.52, do vậy đã cơ bản bảo đảm cho yêu cầu tác chiến. Toàn chiến dịch, bộ đội đánh 192 trận, tiêu thụ 333 quả đạn tên lửa phòng không, trong 12 ngày đêm các tiểu đoàn kỹ thuật sản xuất và tiếp 271 quả.
Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ động chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kỹ thuật của các binh chủng tổ chức điều tra, hiệu chỉnh khí tài và bảo dưỡng định kỳ ở hầu hết các đơn vị. Khi vào chiến dịch, khí tài của các đơn vị đều có hệ số kỹ thuật cao. Trong ba ngày đầu chiến dịch, không quân địch tập trung đánh phá và khống chế các sân bay, do đó khí tài tên lửa, ra đa, pháo phòng không chưa bị tổn thất lớn.
Từ ngày 21-12-1972 trở đi, địch tập trung lực lượng không quân đánh trực tiếp vào các trận địa tên lửa, ra đa, pháo phòng không..., vũ khí trang bị kỹ thuật của ta bị tổn thất đáng kể. Ngành Kỹ thuật đã nhanh chóng tổ chức cứu kéo, sửa chữa khôi phục bảo đảm cho các đơn vị chiến đấu kịp thời. Lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật ở các đơn vị đã chủ động sửa chữa, hiệu chỉnh, khắc phục những hỏng hóc, nên chỉ sau một đến hai ngày đơn vị lại có khí tài chiến đấu ngay.
Do công tác chuẩn bị chu đáo, sáng tạo trong quá trình chỉ đạo bảo đảm và điều hành công tác bảo đảm kỹ thuật cho chiến dịch phòng không tháng 12-1972, nên ngành Kỹ thuật không chỉ giữ được quyền chủ động trong chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật trong suốt quá trình chiến dịch, mà còn góp phần quan trọng cùng các lực lượng khác và quân dân miền Bắc làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.