Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống tham nhũng và vấn đề kiểm soát quyền lực

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng| 29/10/2018 06:43

(HNM) - Hiện nay, tham nhũng là một vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối với những biến dạng rất phức tạp. Vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội kiểm tra tại bộ phận “một cửa” UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Ảnh: Công Hùng


Đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay diễn ra với quyết tâm chính trị cao, công khai, minh bạch, khách quan; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những kết quả bước đầu để lại nhiều bài học rất quan trọng.

Chúng ta đã xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn, xử lý những cán bộ, viên chức, kể cả cán bộ cấp cao, cán bộ diện Trung ương quản lý. Việc xử lý đó là đau đớn, nhưng “không sợ làm sẽ mất uy tín”, mà nhất thiết phải làm để "cơ thể" Đảng và Nhà nước được "khỏe mạnh", là “để lấy lại uy tín” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, “có chiều hướng thuyên giảm", củng cố niềm tin và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Từ lý luận và thực tiễn chống tham nhũng ở nước ta cho thấy, thực chất tham nhũng là xoay quanh vấn đề quyền lực và sự tha hóa quyền lực. Không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng. Quyền lực Nhà nước trao cho cá nhân càng cao, càng tuyệt đối, thì nguy cơ tha hóa quyền lực càng gia tăng tương đối. Quyền lực bị tha hóa biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau: Lạm quyền; lộng quyền; tùy tiện, vô trách nhiệm; sự bất lực; lợi dụng quyền lực (trục lợi từ quyền lực); tiếm quyền; tham quyền cố vị; quan liêu; tập trung quyền lực quá mức (độc đoán, chuyên quyền); phân tán quyền lực…

Thực chất sự tha hóa quyền lực là quyền lực đó xa rời, đối lập nhân dân. Những cán bộ, viên chức, cán bộ cấp cao, cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý thời gian qua tựu trung đều là sự lợi dụng quyền lực để tham nhũng, thực chất đó là tham nhũng quyền lực. Vì thế, vấn đề kiểm soát quyền lực đặt ra rất bức thiết.

Kiểm soát được quyền lực là vấn đề khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không cuộc đấu tranh chống tham nhũng của chúng ta sẽ không thể đạt hiệu quả. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp, trước hết cần công phá mạnh vào vấn đề then chốt là quyền lực và con người, tức là công tác cán bộ. Lâu nay, chúng ta còn ít nói đến tham nhũng quyền lực. Các hành vi tham nhũng trong luật cũng chỉ ghi chủ yếu liên quan đến tài sản, tiền của, như: Tham ô tài sản, nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, vụ lợi…; tham nhũng quyền lực chưa được đề cập thật sự thỏa đáng.

Cần nhấn mạnh rằng, mọi hành vi tham nhũng đều được xuất phát từ quyền lực bao gồm cả quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế hoặc là từ sự phái sinh của quyền lực như các tổ chức, cá nhân không nằm trong hệ thống công quyền, quyền lực, nhưng được quyền lực “bảo kê”. Vì vậy, muốn chống tham nhũng, muốn kiểm soát quyền lực, phải tập trung vào công tác cán bộ.

Công tác cán bộ thực hiện sai nguyên tắc; thực hiện quy trình chỉ là hình thức; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… phát triển, thì đó là sự biểu hiện cụ thể của tham nhũng quyền lực và sự hoành hành bởi tham nhũng quyền lực - tham nhũng trong công tác cán bộ. Thành công trong việc công phá vào tham nhũng quyền lực có ý nghĩa rất lớn làm rung chuyển các loại tham nhũng khác, là yếu tố quyết định thành công của cuộc chiến chống tham nhũng. Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện theo hướng đó và đạt được những kết quả tích cực.

Ở đây, công tác cán bộ, vấn đề cải cách hành chính, tạo dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền đủ đức, đủ tài có tầm quan trọng hàng đầu. Không thể chống tham nhũng hiệu quả nếu không có được bộ máy làm việc hiệu quả, đội ngũ cán bộ thực sự “gương mẫu... được mọi người tín nhiệm".

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt là trong sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, quy rõ trách nhiệm người đứng đầu. Kiểm soát quyền lực là vấn đề quan trọng, liên quan đến cơ chế vận hành cả hệ thống chính trị. Thực hiện cho được cơ chế kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực, đủ sức ngăn chặn, loại trừ tham nhũng quyền lực.

Cơ chế này nằm ngay trong và gắn chặt với cơ chế tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước, cơ chế thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Dù giáo dục chính trị - tư tưởng có tốt như thế nào, nhưng sẽ không hiệu quả nếu không thực hiện được cơ chế khả dĩ có thể kiểm soát, ngăn chặn và loại trừ “thói hư tật xấu”, sự tham lam, ích kỷ trong mỗi con người.

Ngày 19-12-2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 105-QĐ/TƯ về "Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử", quy định rõ quy trình, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm cho việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện chặt chẽ hơn, hạn chế lợi dụng kẽ hở của cơ chế để bổ nhiệm người nhà, người thân...

Song, tình trạng tìm mọi cách để “lách” quy định, cơ chế, nhất là người đứng đầu, người làm công tác cán bộ, vẫn nan giải, phức tạp mà chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, có giải pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cần quy rõ trách nhiệm người đứng đầu, bí thư cấp ủy và cán bộ trực tiếp phụ trách công tác này. Xử lý nghiêm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức; không thể để người đứng đầu “đứng ngoài cuộc” khi cơ quan họ phụ trách có tham nhũng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả các quy chế kiểm soát quyền lực. Cần coi bầu cử là phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng nhất và phải thực hiện thật tốt. Người dân phải có quyền, trách nhiệm và điều kiện để lựa chọn những người gắn bó, có trách nhiệm với vận mệnh của nhân dân. Không vì bất cứ một lý do nào mà để những người không xứng đáng, không đủ đức, đủ tài, không được nhân dân tín nhiệm vào các cơ quan nhà nước. Mọi biểu hiện cục bộ địa phương, kéo bè, kéo cánh, bè phái, chủ nghĩa cá nhân… phải được ngăn chặn kịp thời ngay khi giới thiệu đại biểu.

Thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có nghiệp vụ cao trong công tác kiểm tra, giám sát. Tích cực đổi mới công tác này theo hướng: Tập trung kiểm tra, giám sát thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra tập trung vào lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực; giám sát đột xuất, thường xuyên.

Thực sự tôn trọng ý kiến của người dân. Nhân dân là "tai mắt" rất khách quan trong kiểm soát quyền lực cán bộ. Không thể thờ ơ, bỏ qua, thậm chí coi thường, quy kết ý kiến của người dân là “chống đối chính quyền”. Có quy định cụ thể xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cán bộ xem nhẹ, bỏ qua, coi thường ý kiến của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng và vấn đề kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.