(HNM) - Khi Tết cổ truyền đã cận kề cũng là thời điểm hoạt động của các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng cấm trở nên vô cùng phức tạp. Dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn song tình trạng hàng lậu, hàng cấm xâm nhập vẫn chưa có dấu hiệu giảm…
Một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý (TTQL) kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội cho biết, việc phát hiện và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vô cùng khó khăn; đặc biệt là khi "con đê" chặn buôn lậu từ biên giới còn nhiều lỗ hổng và hành lang pháp lý chưa đủ mạnh. Điều đó dẫn đến hoạt động buôn lậu điển hình là các loại hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không từ phía Bắc về Hà Nội thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Vì lợi nhuận, nhiều khi các đối tượng sẵn sàng có hành vi manh động chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Liên ngành công an, quản lý thị trường thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Trung Hiếu |
Trong nỗ lực thực hiện cao điểm tấn công tội phạm, bảo đảm TTATXH dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, lực lượng chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm (CBL - BBHC) của Phòng CSĐT tội phạm về TTQL kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc. Đáng chú ý là vụ bắt giữ xe ô tô BKS 20C-011.96 vào rạng sáng 13-12-2012, phát hiện 40 bao, kiện vải, quần áo, trọng lượng khoảng 6 tấn, trị giá hơn 1 tỷ đồng; vụ bắt giữ xe ô tô BKS/98K-5758 chở 283 bao, kiện hàng hóa các loại, trọng lượng khoảng 16 tấn, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, vào rạng sáng ngày 17-12-2012...
Qua các vụ việc nêu trên, chỉ huy Đội CBL-BBHC cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán hàng lậu ngày càng tinh vi, phức tạp. Nổi lên là việc đối tượng mua hóa đơn của các hộ kinh doanh vùng biên, theo chính sách của Nhà nước được sử dụng hóa đơn đến mức 2 triệu đồng. Theo đó, các đối tượng khai hàng hóa chuyển vào nội địa với mức giá thấp hơn giá trị thực. Một chiếc áo ấm thực tế có giá hàng trăm nghìn đồng nhưng khi kiểm tra trên đường vận chuyển, theo hóa đơn chỉ có giá vài nghìn đồng. Vô lý đến mức ai cũng có thể nhận thấy nhưng lực lượng chức năng không thể xử lý, "bó tay" nhìn hàng "trôi" vào nội địa. Mỗi chuyến xe như vậy, Nhà nước thất thu thuế hàng chục triệu đồng. Nếu kẽ hở này chậm được khắc phục, việc hàng lậu tuồn sâu vào nội địa không chỉ gây thất thu thuế mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất trong nước.
Một thủ đoạn khác của các đối tượng vận chuyển là sử dụng BKS ô tô giả trong quá trình đưa hàng lậu xâm nhập nội địa. Ví dụ như vụ việc bắt giữ xe ô tô nêu trên, BKS 98K-5758 là số "ma". Ngoài ra, trên xe, bộ phận lắp BKS được gia công để có thể chỉ bằng một thao tác nhỏ là có thể nhanh chóng thay đổi BKS khi qua các địa bàn khác nhau. Một thủ đoạn khác là ngụy trang xe cho mục đích vận chuyển hàng lậu. Những năm trước đã có nhiều xe khách được gian thương tháo ghế để chở hàng. Gần đây, chúng còn sử dụng các loại xe chuyên dụng vào mục đích vận chuyển hàng lậu. Như trường hợp xe ô tô chở hàng lậu BKS 20C-011.96 kể trên, có vỏ ngoài là xe vận tải, loại chuyên dùng chở vật liệu xây dựng, quặng, đất đá... Những phương thức đối phó này khiến lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát, phát hiện gian lận.
Với những mặt hàng như gia cầm, pháo nổ, vũ khí thô sơ... tội phạm còn có nhiều chiêu thức rất tinh vi. Ví dụ, với mặt hàng gia cầm nhập lậu, các đối tượng thường pha trộn thêm một lượng gia cầm nội địa hoặc sơ chế thành gà thịt cấp đông, khiến lực lượng làm nhiệm vụ khó phân biệt hàng nhập lậu, rất khó xử lý...
Những cán bộ điều tra lâu năm cũng rất khó có thể ước lượng một ngày có bao nhiêu chuyến xe chở hàng lậu vận chuyển trót lọt vào nội địa. Song thực tế cho thấy, hàng lậu, hàng cấm vẫn có mặt rất phổ biến tại sạp hàng ở các chợ. Điều đó cho thấy, những cố gắng của lực lượng chức năng mới chỉ là giải quyết "bề nổi". Để chống hàng lậu, hàng cấm xâm nhập vào nội địa cần dựng lên một "con đê" vững chắc ngay tại khu vực biên giới và cùng với đó là những chế tài xử lý cũng phải nhanh chóng được kiện toàn, khắc phục những bất cập tồn tại mà các đối tượng có thể lợi dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.