Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chông gai, gập ghềnh con đường phía trước

Cao Ngọc| 24/01/2010 05:21

(HNM) - Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca diễn ra ở TP Đà Nẵng từ ngày 8-1 và kết thúc vào ngày 15-1. Tham gia hội diễn có 7 vở tuồng, 6 vở dân ca. Trong bối cảnh nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc đang bị khán giả trẻ quay lưng thì hội diễn được đánh giá là thành công, nhưng...

13 vở diễn tuồng và dân ca đã được công chúng đón nhận rất nhiệt tình. Rạp Trưng Vương với 1.000 chỗ luôn chật kín người xem, ngay cả buổi diễn sáng cũng rất đông khán giả theo dõi, cổ vũ nồng nhiệt. Phản ứng của khán giả khiến nghệ sĩ hưng phấn nên các đơn vị tham gia liên hoan hoàn thành khá tốt tác phẩm. Lần hội diễn này được tổ chức trên quê hương cố GS Hoàng Châu Ký, người đã có rất nhiều cống hiến với nghệ thuật tuồng nên ban tổ chức đã có cuộc tọa đàm về vai trò của ông với tuồng Việt Nam, khẳng định và ghi nhận những đóng góp của cố giáo sư với bộ môn kịch hát này.

Nghệ thuật tuồng cần được giữ gìn và bảo tồn.


So với liên hoan kịch nói, cải lương, chèo vừa kết thúc thì liên hoan tuồng và dân ca có số đơn vị tham gia ít nhất. Có những đơn vị nghệ thuật vì nhiều lý do đã không tham gia hội diễn cho dù 5 năm mới tổ chức một lần. Nhìn tổng thể, có thể nhận thấy những vấn đề cần thiết phải được điều chỉnh. Đó là sự hổng về đội ngũ tác giả viết cho tuồng. Kịch bản của tác giả Đăng Chương được viết từ năm 2008 nhưng rất nhiều đoàn vẫn dựng. Kịch bản được các nhà hát kịch nói dàn dựng từ rất lâu nhưng vẫn được chuyển thể như "Thời con gái đã xa" của Thu Phương hay "Điện thoại di động" của Nguyễn Quang Lập. Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát hàng đầu Việt Nam vì thiếu kịch bản nên vẫn đưa đi hội diễn vở "Huyền Trân công chúa", vở đã dựng và diễn từ nhiều năm nay. Có thể nói, tình hình đội ngũ tác giả kịch bản cho tuồng và dân ca đang bị bỏ ngỏ và là vấn đề đáng lo lắng nhất.

Nghệ sĩ biểu diễn của hầu hết các đoàn không được trẻ hóa. Các cụ đã dạy "thầy già con hát trẻ" nhưng tại nhiều vở tham gia hội diễn đã có hiện tượng các nghệ sĩ quá già so với tuổi của nhân vật nên gây sự phản cảm dù nghệ thuật biểu diễn rất tốt. Phần lớn vai chính của các vở đều do những diễn viên đã thành danh đảm nhiệm. Còn số diễn viên trẻ được giao vai chính song biểu diễn lại chưa thuyết phục. Khâu diễn viên vì thế cũng đang trong tình trạng khủng hoảng. Và tình trạng này không dễ dàng khắc phục vì nghệ thuật tuồng cũng như kịch hát ngoài yếu tố thanh sắc còn đòi hỏi sự khổ luyện. Trong khi đó, các trường nghệ thuật lại không có thí sinh dự thi. Do vậy chỉ trông chờ vào sự tự đào tạo của các nhà hát. Nhưng tự đào tạo cũng lại bất cập vì cơ chế bởi các nhà hát tuồng và dân ca đều là của Nhà nước, mà của Nhà nước thì biên chế có hạn. Điều đó dẫn đến hệ quả, nghệ sĩ không còn làm nghề vẫn trong biên chế và hưởng lương trong khi các diễn viên trẻ hợp đồng lương bổng lại phập phù. Được biết Bộ VH-TT&DL cũng đã có tờ trình về vấn đề này nhưng hiện vẫn chưa có hồi âm từ các cơ quan.

Khác với kịch nói, cải lương, xem tuồng vốn đã khó hiểu bởi diễn tuồng phải theo các trình thức, lại càng khó hiểu bởi khi diễn viên hát phải cường điệu. Với tuồng cổ thì càng khó hiểu hơn bởi lời thoại và lời ca có rất nhiều âm Hán - Việt. Thực ra không phải là bây giờ mà từ ngót 20 năm nay, tuồng cùng với Dù Kê Nam bộ, Bài chòi... đã vắng dần khán giả. Vì thế nếu bắt các bộ môn này tự làm, tự ăn thì đó là cú bồi cho "chết hẳn". Song nếu "nuôi" không đến nơi đến chốn thì lớp trẻ chẳng ai dấn thân. Do vậy muốn gìn giữ và bảo tồn tuồng và dân ca thì phải "nuôi"... đàng hoàng, còn không thì...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chông gai, gập ghềnh con đường phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.