(HNM) - Ngày 6-5, trong hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, Bộ Y tế đã đề xuất khoản kinh phí lên tới gần 115 triệu USD cho công tác phòng chống.
Con số đó tương đương 2.400 tỷ đồng - một số tiền không nhỏ trong thời buổi suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay. Trong đó, 36,356 triệu USD là nguồn đầu tư của Chính phủ Việt Nam, còn lại do quốc tế hỗ trợ. Vậy nên, chắc rằng để dự trù nguồn kinh phí đó, cơ quan chức năng đã phải "đau đầu" tính toán, cân nhắc! Cụ thể, Bộ Y tế đưa ra kịch bản của 4 tình huống, trong đó phương án 1 là khi dịch chưa xuất hiện tại Việt Nam với khoản kinh phí đề nghị trên 17 triệu USD (gồm 9,6 triệu USD tài trợ quốc tế và trên 7,3 triệu USD từ Chính phủ Việt Nam). Riêng phương án này, Bộ Y tế đề xuất chi gần 1 triệu USD cho truyền thông và cung cấp thông tin về cúm A/H7N9, với hai hội thảo liên ngành, hai lớp tập huấn cho báo chí, sản xuất các tài liệu truyền thông như thông điệp truyền hình, truyền thanh, tranh gấp, áp phích, sổ tay hỏi đáp đường dây nóng, bản tin hằng tuần… Còn các tình huống 2, 3, 4 (dịch xuất hiện tại Việt Nam, lây từ người sang người ở quy mô nhỏ hoặc lây từ người sang người ở quy mô rộng) thì mức kinh phí đề xuất là trên 97,7 triệu USD. Lại có thêm vài lý giải để thấy kinh phí phòng, chống dịch cúm A/H7N9 là rất tốn kém như mỗi mẫu xét nghiệm tìm vi rút cúm A/H7N9 phải chi trên dưới 2 triệu đồng, không kể các thiết bị y tế khác như, riêng một xét nghiệm sàng lọc bệnh đã hết 100 USD/người; nhiều thiết bị giám sát y tế tại cửa khẩu của Việt Nam chưa thể đáp ứng trong điều kiện có dịch lớn…
Cũng về vấn đề này, tại hội nghị nêu trên, đại diện cho Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét: "Nhiều hoạt động đề xuất kinh phí mới để chống cúm A/H7N9 chúng tôi thấy tương tự như các hoạt động đang triển khai, nên lồng ghép các chương trình này, làm sao để làm nhiều việc với chi phí ít". Đó là ý kiến rất cần được quan tâm.
Các cụ xưa đã dạy "liệu cơm gắp mắm" để khuyên con cháu tính toán khả năng mà chi tiêu trong từng việc, cái gì cần chi thì phải chi nhưng không phải vì thế mà "vung tay quá trán", đưa ra những đề xuất không phù hợp với thực tế. Với tổng nguồn kinh phí dự kiến lên gần 115 triệu USD, dù là phần của quốc tế hỗ trợ hay nguồn đầu tư đối ứng của Chính phủ Việt Nam thì tiền cũng không phải từ trên trời rơi xuống. Khảo sát thực tế tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài từng cho rằng, chúng ta thường làm việc kiểu "nước đến chân mới nhảy". Đơn giản vì khi đó mọi vấn đề buộc phải giải quyết theo kiểu tình thế và như vậy, kinh phí có "đội" lên theo tính toán ban đầu cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, lại có câu "nước xa khó cứu được lửa gần" ám chỉ việc có nhiều "căn bệnh" không được phát hiện, điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm. Xin nhắc lại, việc phòng ngừa dịch cúm A/H7N9 lây lan tại Việt Nam là đặc biệt quan trọng, nhưng để làm tốt việc đó, trước hết phải phòng ngừa có hiệu quả những bệnh dịch trên gia cầm như cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, rồi dịch tai xanh, lở mồm long móng… đặc biệt là việc kiểm soát gia súc, gia cầm, thủy sản nhập khẩu qua biên giới. Có như vậy, mới kịp thời phát hiện những chủng vi rút lạ như vi rút cúm A/H7N9 để có biện pháp đối phó. Đừng để "nước đến chân mới nhảy" hay trông chờ có kinh phí mới làm, như vậy vừa tốn tiền, hiệu quả thu được lại hạn chế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.