LTS: Hàng loạt vụ việc ồn ào dư luận gần đây cho thấy, hành vi chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) tại Việt Nam ngày càng trở nên tinh vi hơn.
LTS: Hàng loạt vụ việc ồn ào dư luận gần đây cho thấy, hành vi chuyển giá để trốn thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) tại Việt Nam ngày càng trở nên tinh vi hơn. Thế nhưng, ranh giới để xác định việc DN có thực hiện chuyển giá hay không đến nay chưa rõ ràng. Chống chuyển giá để bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời dung hòa quyền lợi của nhà đầu tư là yêu cầu thực tế. Nhưng chống như thế nào là vấn đề không đơn giản.
Bài 1: “Ma trận” chuyển giá
Báo cáo của Ernst & Young, công ty chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn về chuyển giá hàng đầu thế giới năm 2014 cho thấy: Hành vi chuyển giá đã trở nên phổ biến trong thương mại quốc tế và tồn tại ở hầu hết các quốc gia... Tại Việt Nam, hiện tượng chuyển giá không chỉ dừng lại ở DN FDI mà đã lan sang nhiều DN trong nước với những chiêu thức ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp đã "qua mặt" các cơ quan chức năng.
Metro Việt Nam gây “tai tiếng” vì có nhiều dấu hiệu chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế. Ảnh: Tuấn Anh |
Những hiện tượng bất thường
Chuyện Công ty TNHH Metro Cash&Carry Việt Nam (Metro) liên tục báo cáo lỗ và suốt 12 năm kinh doanh ở Việt Nam không nộp một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nào khiến Tổng cục Thuế phải vào cuộc, huy động lực lượng tiến hành thanh tra chuyển giá tại công ty này đã làm "nóng" dư luận. Tuy nhiên, để kết luận Metro có chuyển giá hay không là việc không đơn giản. Điều đáng nói là dù liên tục báo lỗ nhưng Metro vẫn không ngừng mở rộng kinh doanh, gia tăng thị trường. Hệ thống phân phối của công ty này trải đều từ Bắc vào Nam với 19 trung tâm phân phối. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Metro năm nào cũng báo lỗ là dấu hiệu không bình thường. Không một DN nào dại dột mở rộng thị trường khi không có lãi, bởi điều này đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ lỗ. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nghi vấn chuyển giá của Metro đã quá rõ ràng bởi không có DN nào mà hàng năm báo lỗ trên 100 tỷ đồng nhưng lại tăng doanh thu, tăng lao động và mở rộng thị trường.
Trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng đã công bố con số khoảng 20% DN FDI tại Việt Nam thừa nhận có thực hiện việc chuyển giá. Theo Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có khoảng 1.200 DN FDI, trong đó có tới 25% khai lỗ nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là những đối tượng đang được đưa vào tầm ngắm và sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển giá. Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết, hiện nay việc chuyển giá không chỉ dừng lại ở các DN FDI mà còn "lây" sang cả DN trong nước. Do đó, nếu không quyết liệt chống chuyển giá, nguy cơ thất thu thuế là rất lớn.
Đủ kiểu lách luật, trốn thuế
Mới đây, ông Tai Chung Tui (Đài Loan - Trung Quốc) đã gửi đơn tố cáo bà Lê Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nguyên Đạo (Công ty Nguyên Đạo) và ông Jame Chung (quốc tịch Mỹ) lừa đảo chiếm dụng phần vốn đầu tư tại Công ty Nguyên Đạo với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới gần 9 tỷ đồng và hơn 240.000 USD thông qua hình thức chuyển giá và vốn đầu tư sang một DN khác do bà Lê Minh Đức thành lập. Dù hoạt động kinh doanh hiệu quả nhưng DN này lỗ hết phần vốn của chủ sở hữu 5,5 tỷ đồng, là vốn điều lệ do các thành viên góp vốn. Cụ thể, sau khi thành lập Công ty Nguyên Đạo và chuyển nhượng 40% phần vốn góp cho ông Tai Chung Tui với giá 100.000 USD, bà Lê Minh Đức đã cho thành lập một công ty riêng là Công ty TNHH MTV Thái Liên (Công ty Thái Liên). Công ty này có trụ sở chính tại số 89, đường số 85 (phường Tân Quy, quận 7, TP Hồ Chí Minh), sử dụng toàn bộ nhân viên và tài sản của Công ty Nguyên Đạo để phục vụ việc kinh doanh của Công ty Thái Liên. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ các khoản thu nhập vốn có từ hoạt động kinh doanh của Công ty Nguyên Đạo đều được chuyển sang Công ty Thái Liên do ông Jame Chung và bà Lê Minh Đức thành lập, còn những chi phí phát sinh của Công ty Thái Liên lại do Công ty Nguyên Đạo gánh chịu. Công ty Thái Liên như một nơi để chuyển mọi giá trị vốn góp và lợi nhuận từ Công ty Nguyên Đạo. Theo Luật sư Nguyễn Hiệp (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), đây có thể xem như là hoạt động chuyển giá của DN để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Không những thế, ông Tai Chung Tui còn tố cáo bà Lê Minh Đức dùng thủ đoạn mua hóa đơn khống, che giấu doanh thu của Công ty Nguyên Đạo cho những hợp đồng không có thực để được khấu trừ chi phí, trốn thuế dẫn đến doanh thu của công ty thua lỗ. Cụ thể, tính riêng hai năm 2008-2009, bà Lê Minh Đức đã chi tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng để mua hóa đơn hợp thức hóa hơn 15 tỷ đồng thành những chi phí hợp lý của Công ty Nguyên Đạo. Với mánh khóe này, Công ty Nguyên Đạo liên tục trong tình trạng lỗ, mặc dù thực tế, công việc kinh doanh đạt hiệu quả cao. Hành vi này chính là một hình thức chuyển giá sang công ty không liên kết (công ty bán hóa đơn).
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện tượng chuyển giá không loại trừ chiêu thức mua bán, chuyển nhượng vốn bằng hợp đồng có giá trị cao nhưng thu nhập phát sinh thấp để trốn thuế. Một trong số này là trường hợp Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chuyển nhượng vốn cho Vietnam Growth Capital Pte.Ltd (Singapore) với giá chuyển nhượng theo hợp đồng là 1.061.861 triệu đồng, so với giá vốn là 1.061.615 triệu đồng, thu nhập phát sinh chỉ có 246 triệu đồng. Đáng ngại nhất là việc thành lập nhiều công ty, nhiều chi nhánh, thay đổi nhiều địa điểm kinh doanh. Chiêu thức này được phát hiện tại Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ. Công ty này đã thành lập Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, đồng thời thành lập thêm 2 chi nhánh khác tại quận 2 và Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Trước đây, Công ty cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ do Chi cục Thuế quận 3 (TP Hồ Chí Minh) quản lý. Từ năm 2010 chuyển đến 2 địa chỉ khác nhau tại quận 1 và đổi tên thành Công ty cổ phần Y khoa Fortis Hoàn Mỹ (thuộc Chi cục Thuế quận 1 quản lý) và với 7 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký DN, vốn điều lệ đã thay đổi từ 118 tỷ đồng lên 155 tỷ đồng. Công ty này cũng đã chuyển nhượng vốn cho cá nhân nước ngoài nhưng không kê khai mà chỉ thay đổi tên người đại diện pháp luật.
Một trường hợp khác là điều chỉnh tăng vốn điều lệ để chuyển nhượng với giá cao nhưng không phát sinh thu nhập để không phải chịu thuế. Cụ thể, Công ty PT Global Investment thuộc Chi cục Thuế quận 6 (TP Hồ Chí Minh) quản lý đã tăng vốn từ 1 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, sau đó thành viên góp vốn 48% bán cho cá nhân nước ngoài với giá bán là 48 tỷ đồng, không phát sinh thuế phải nộp. Hiện nay, công ty này đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Một hình thức chuyển nhượng vốn khó ngờ là trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh bất động sản Ê Ke. Công ty này đã mua cổ phần với giá cao, sau đó chuyển nhượng với giá thấp hơn giá mua, sau đó cố ý đưa khoản lỗ này vào chi phí tài chính. Công ty này đã lập tờ khai thuế TNDN đưa số lỗ của việc chuyển nhượng vốn nêu trên để làm giảm số thuế thu nhập DN phải nộp khi quyết toán năm.
Báo cáo động thái DN 6 tháng đầu năm 2014 của VCCI cho thấy, tỷ lệ DN FDI công bố lỗ luôn đứng đầu và một trong những nguyên nhân chính được cho là có liên quan đến việc chuyển giá. Theo kết quả điều tra của VCCI, có tới 56% DN được khảo sát cho rằng các DN FDI thường sử dụng hình thức chuyển giá bằng cách mua nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của công ty mẹ với giá cao và bán sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp so với giá thực tế. Việc này dẫn đến lỗ ở công ty con và lãi ở công ty mẹ. Đây là hành vi lách thuế vì thuế suất thuế TNDN ở quốc gia công ty mẹ đặt trụ sở thấp hơn ở Việt Nam. Cũng có gần 25% DN cho rằng các DN FDI thường sử dụng hình thức chuyển giá bằng cách nâng giá trị tài sản vốn góp; hơn 6% DN cho rằng tăng chi phí quảng cáo và hơn 12% cho rằng DN FDI sử dụng các hình thức khác để chuyển giá. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.