Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chòng chành những chuyến đò ngang

Minh Thúy - Chí Đạo| 21/07/2016 07:00

LTS: Những bến đò ngang hoạt động trong mùa mưa bão đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, bởi hàng loạt các vi phạm cũ chưa có “thuốc” chữa. Để khắc phục thực trạng này, ngày 13-7-2016, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc

LTS: Những bến đò ngang hoạt động trong mùa mưa bão đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, bởi hàng loạt các vi phạm cũ chưa có “thuốc” chữa. Để khắc phục thực trạng này, ngày 13-7-2016, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Nhưng, để thực hiện được các giải pháp này, trước tiên phải “hóa giải” những vi phạm đang còn rất ngổn ngang hiện nay…

Bài 1: Đò không phao, bến không phép

Những con đò sắt chòng chành giữa dòng nước chảy cuồn cuộn, thiếu thiết bị bảo đảm an toàn, khiến bất cứ ai đi đò lần đầu cũng có cảm giác “rờn rợn”. Điều ngạc nhiên là trên những chuyến đò ngổn ngang vi phạm này, người dân vẫn phải "vô tư" chấp nhận là phương tiện hữu dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Giỡn mặt... hà bá

Giữa trưa hè, trời nắng gắt. Bến đò Chiểu Dương qua sông Hồng ở xã Phú Cường (huyện Ba Vì) sang TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) vắng khách hơn thường lệ. Sau khoảng 20 phút chờ đợi, chuyến đò chở chúng tôi và một số người khách cùng 8 chiếc xe máy rời bến. Vì không có người phụ, chủ đò nhờ một người khách đẩy đò ra phía sông rồi nổ máy. Con đò mang số hiệu HN-0942 có chiều rộng khoảng 3m, dài chừng 10m, mái được lợp bằng những thanh gỗ, lan can sắt bảo vệ chạy quanh cao chừng 50-60cm. Vừa rời bến được một đoạn thì phát hiện trên đò không có bất cứ chiếc áo phao hay một thứ gì đó có thể nổi, chúng tôi hết sức lo lắng. Thắc mắc với chủ đò: Tại sao nhà đò không trang bị áo phao? Người chủ đò liền đáp: Có chứ anh! - Vậy anh để ở đâu? Người lái đò nhanh nhảu chỉ tay xuống phía dưới sàn ca bin: Áo phao để trong hộp này? Chúng tôi tiếp tục băn khoăn về việc này nhưng người lái đò chỉ nói qua loa và kết thúc câu chuyện. Trong khi đó con đò vẫn băng băng hướng về phía TP Việt Trì giữa dòng nước sông Hồng chảy cuồn cuộn. Hơn 10 phút ngồi trên đò trong tâm trạng bất an, trong đầu chúng tôi luôn hình dung, nếu không may xảy ra tình huống bất ngờ trên sông thì những người ngồi trên con đò này có kịp lấy được chiếc áo phao được cất kỹ trong ca bin kia hay không? Tàu cập bến Tiên Cát bên TP Việt Trì, như một thói quen, hai vị khách nhanh chân nhảy lên bờ neo đò dưới sự chỉ dẫn của người lái. Ngạc nhiên nhất là trong suốt hành trình qua sông Hồng, những người khách đi trên chuyến đò không thể hiện tâm trạng lo lắng, và dĩ nhiên chắc cũng chẳng ai nghĩ rằng họ đang giỡn mặt hà bá. Trong khi đó, tất cả các bến đò ngang chúng tôi đã đi trên địa bàn TP Hà Nội, bến Chiểu Dương có độ dài nhất và nước sông chảy mạnh.

Hành khách đứng trên mui đò, ngồi lan can và không mặc áo phao (bến Phú Cường, huyện Ba Vì).



Đầu giờ chiều, từ TP Việt Trì, chúng tôi trở về huyện Ba Vì trên đò mang số hiệu 12KH-PT1077. Hạ tầng con đò này tương tự đò mang số hiệu HN-0942, điểm khác duy nhất là áo phao, phao cứu sinh, vật liệu nổi được treo trên ca bin.

Bến đò không phép

Khác với bến đò Chiểu Dương đã được cơ quan chức năng cấp phép, một số bến trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng không phép hoặc hết phép nhưng vẫn lén lút hoạt động, bất chấp nguy cơ mất an toàn đường thủy. Bến đò ngang Liên Trung, xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) đã được cơ quan chức năng xác định không bảo đảm các điều kiện an toàn, gồm không có giấy phép mở bến; hai phương tiện thủy chở người đã quá hạn kiểm định an toàn kỹ thuật; người lái không có chứng chỉ chuyên môn. Trước thực trạng này, ngày 1-7-2016, UBND huyện Đan Phượng đã có văn bản yêu cầu xã đình chỉ hoạt động của bến Liên Trung, tuyệt đối không để các bến hoạt động trái quy định của pháp luật.

Thế nhưng, chiều 14-7-2016, có mặt tại đây, chúng tôi thấy bến đò vẫn hoạt động bình thường. Điều đặc biệt nguy hiểm là đường lên xuống đò có địa hình dốc, nằm trọn trong phạm vi kè đê hữu Hồng. 4 chiếc đò và phà một lưỡi neo ở hai lối lên xuống của bến, trong đó có một chiếc đang chờ khách. Ngồi chờ ở đây khoảng 30 phút chúng tôi thấy một số khách đi xe máy và cả xe công nông đầu ngang xuống chiếc phà một lưỡi. Lúc đò rời bến Liên Trung thì ở phía bến bên bãi nổi, đồng thời một chiếc đò khác cũng hướng ra phía sông Hồng tiến về Liên Trung.

Nói về trách nhiệm trước tình trạng trên, ông Hoàng Anh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung không đưa ra bình luận mà chỉ thông tin cho biết, bến này đã hoạt động từ nhiều năm nay, chủ yếu phục vụ người dân sang bãi nổi của xã ở giữa sông Hồng có diện tích 40ha để sản xuất nông nghiệp. Bến cũng đã có thời gian dừng, nhưng vì nhu cầu của người dân nên hoạt động trở lại. Việc bến hoạt động khi không có giấy phép là sai, nhưng nhu cầu của bà con là có thật. Liên quan đến trách nhiệm của UBND xã thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Đan Phượng yêu cầu đình chỉ bến đò không phép này, ông Hoàng Anh Tâm đã cung cấp cho phóng viên Thông báo số 236 đề ngày 14-7-2016, về việc giải tỏa bến đò thuộc cụm 2 xã Liên Trung. Theo đó UBND xã Liên Trung “yêu cầu hai hộ gia đình là ông Nguyễn Quang Tiên và ông Hoàng Văn Quý dừng ngay việc hoạt động tại bến”. Điều đáng quan tâm là trong văn bản này UBND xã vẫn có phương án “mở”, yêu cầu hai hộ gia đình “làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ có liên quan đến việc mở bến. Thời gian dừng hoạt động tại bến bắt đầu từ ngày 15-7-2016, đến khi làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ việc mở bến mới được hoạt động trở lại”. Trên thực tế, bến khách không phép ở Liên Trung nằm trọn trên kè đê sông Hồng, hơn nữa địa hình nơi đây cũng không bảo đảm điều kiện để mở bến vì quá dốc. Ngoài ra mới đây, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã đề xuất với UBND TP Hà Nội và Ban An toàn giao thông thành phố kiên quyết giải tỏa bến đò Liên Trung để bảo đảm an toàn. Việc UBND xã Liên Trung tiếp tục thông báo tới chủ đò hoàn thiện “đầy đủ các thủ tục mới cho hoạt động trở lại” là chưa căn cứ vào các điều kiện thực tế và chưa kiên quyết thực hiện chỉ đạo của huyện trước vi phạm của hai hộ gia đình trên.

Tương tự bến Liên Trung, bến đò Vân Nam, xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cũng trong tình trạng hết hạn cấp phép (cuối năm 2015), nhưng chiều 13-7-2016 chúng tôi ghi nhận bến đò vẫn hoạt động, dù lượng khách thưa thớt. Hạ tầng của bến bên xã Vân Nam được đầu tư khang trang, có đèn cao áp, nhà chờ và đường lên xuống đò đổ bê tông rộng rãi. Tuy nhiên, khi theo con đò sang bến đối lưu thuộc địa phận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chúng tôi ngỡ ngàng trước việc nhà đò trả khách tại một bến bằng đất tạm bợ ngay vùng đất bãi rộng mênh mông nằm giữa sông Hồng. Phải rất vất vả chúng tôi mới vượt qua được con đường nằm giữa bãi nổi được gia cố đơn giản bằng loại đất pha cát để lên đê đi về phía xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc).
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chòng chành những chuyến đò ngang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.