(HNM) - Liên tiếp hai tin vui trong xử lý việc tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Một là, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội - hàng loạt vấn đề cụ thể liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn đã được Tổ công tác thành phố phân công trách nhiệm tới từng sở, ngành, đơn vị và chốt tiến độ rõ ràng.
Hai là, thành phố đã kết thúc việc xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và lợi ích của các bên liên quan.
Đây cũng là minh chứng điển hình khi quyết tâm thay đổi cách làm việc theo tinh thần “5 rõ”.
Trở lại chuyện ở Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn. Có hai vấn đề lớn liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực là ô nhiễm môi trường (mùi hôi, ruồi, muỗi, nước thải tại bãi rác) và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều bất cập, nhưng quá chậm được xử lý dứt điểm. Vậy là ngày 26-6-2016, một số người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn đã kéo nhau ra đường ngăn cản không cho xe chở rác vào đây. Từ đó, năm nào cũng 1-2 lần và đến nay tổng cộng đã có 8 lần (gần đây nhất là từ đêm 23 đến đêm26-10-2020) người dân có hành vi phản ứng tiêu cực này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hành vi tự phát và sai trái này, song suy cho cùng thì việc chậm trễ trong giải quyết nhu cầu cuộc sống người dân là nguyên nhân chính hơn cả, đòi hỏi phải giải quyết một cách căn cơ, công khai, quyết liệt. Tinh thần này đã được Thường trực Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương. Và những ngày cuối tháng 10-2020, thành phố đã chứng kiến sự chuyển động đồng bộ trên nhiều mặt: Các xe chở rác được kiểm tra bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật, giảm tối đa việc rò rỉ nước rác ra đường; bãi chứa rác được phun thuốc khử khuẩn loại tốt, hồ chứa nước thải được che phủ… Nhiều vấn đề tồn tại đã lâu như kiểm đếm diện tích nhà đất, tiến hành đẩy nhanh thủ tục, vận dụng chính sách đền bù... đều được triển khai với tốc độ và những tiến độ rõ ràng, làm lòng người thêm ấm áp khi có sự đồng cảm, sẻ chia.
Tương tự vậy, là chuyện xử lý công trình số 8B Lê Trực - một công trình điển hình về vi phạm nghiêm trọng pháp luật xây dựng cũng như thách thức kỷ cương. Sau khi được cấp phép xây dựng năm 2014, công trình này đã nhiều lần vi phạm quy định, rõ nhất là tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng và xây dựng thêm hẳn một tầng trái phép, nên vượt chiều cao so với giấy phép được cấp tới 15,89m.
Ngày 2-11-2015, Thường trực Chính phủ đã họp và yêu cầu phải phá dỡ phần xây dựng sai phạm. Thực hiện chỉ đạo này, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận Ba Đình tiến hành tháo dỡ xong giai đoạn 1, tuy nhiên công việc dự kiến kết thúc vào quý II-2016 đã không thực hiện được. Kể từ đó, vì nhiều nguyên nhân, công việc bị đình trệ kéo dài. Mặc dù 12 cán bộ, công chức, viên chức liên quan đã bị xử lý kỷ luật, song sự tồn tại của công trình sai phạm với quy mô lớn này vẫn như lời thách thức kỷ cương pháp luật.
Nhưng với cách chỉ đạo kiên quyết, cụ thể từng việc, chỉ trong vòng nửa năm trở lại đây, các “lý do” về việc phá dỡ sẽ gây ảnh hưởng tới kết cấu toàn bộ tòa nhà, sự mất an toàn khi phá dỡ... lần lượt được hóa giải. Kết quả là đến cuối tháng 10-2020, các công việc cuối cùng xử lý sai phạm tại đây đã được hoàn thành: Toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng cũng như sàn tầng 18 đã được tháo dỡ xong. Quá trình tháo dỡ bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết cấu công trình qua quan trắc vẫn bảo đảm an toàn, không bị biến dạng.
Thực tế cách giải quyết cụ thể, quyết liệt, căn cơ đối với hai sự việc tưởng chừng nan giải này cho thấy, nếu hết lòng vì công việc, vì cuộc sống người dân, quyết tâm đi đến cùng để giải quyết - thì không trở ngại nào là không hóa giải được.
Và ngược lại.
Nhìn rộng hơn, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra những biểu hiện khá cụ thể của bệnh đại khái, qua loa gắn với sự suy thoái của cán bộ, đảng viên: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” - biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Và: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở...; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” - biểu hiện sự suy thoái về đạo đức lối sống.
Sửa bệnh đại khái, qua loa bằng cách nào?
Trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cách thức “chữa bệnh” khá rõ:
“Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi:
Vì sao có vấn đề này?
Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao?
Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”.
Bác cũng dạy:
“Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”.
Mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng đất nước độc lập, dân chủ, giàu mạnh, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao. Điều này đồng nghĩa, mỗi hành động của cán bộ, đảng viên phải lấy niềm vui, sự yêu mến của người dân và doanh nghiệp làm thước đo lớn nhất, duy nhất.
Chữa bệnh đại khái, qua loa là cách thuyết phục người dân sâu sắc và bền vững!
Để dân tin, dân yêu hơn người đảng viên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.