(HNM) - Câu chuyện án oan sai một lần nữa lại được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua (13-3). Trên thực tế, các vụ án oan thể hiện khá đa dạng.
Trên thực tế, các vụ án oan thể hiện khá đa dạng. Tuy nhiên, điểm lại những vụ án được minh oan thời gian qua cho thấy, có không nhiều trường hợp cố ý làm sai lệch hồ sơ để bao che cho tội phạm mà chủ yếu do trình độ nghiệp vụ non yếu của người chấp pháp hoặc những quy định chưa chặt chẽ của pháp luật. Sai sót có thể xảy ra ở nhiều khâu trong quá trình tố tụng, song đáng lưu ý là những sai sót ở ngay giai đoạn đầu của hoạt động tố tụng sẽ kéo theo những sai sót ở các khâu tiếp theo. Vì thế, việc hạn chế sai sót ngay từ "đầu vào" có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc giảm án oan, sai.
Qua các vụ án oan sai được nhắc đến trong thời gian gần đây, có thể thấy nhiều vụ khởi đầu từ việc bắt giam oan sai. Ví dụ điển hình là trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn (Việt Yên - Bắc Giang) bị bắt giam chỉ vì khả nghi có mặt tại hiện trường tại thời điểm xảy ra án mạng, chưa có đầy đủ những chứng cứ, dấu vết cho thấy ông này có liên quan đến hành vi phạm tội. Từ việc bị bắt oan đó, dẫn đến một chuỗi những sai sót tiếp theo trong quá trình tố tụng khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải chịu án chung thân và mất 10 năm ngồi tù oan ức. Có thể nói việc quyết định hay phê chuẩn lệnh bắt giam người bị tình nghi liên quan đến vụ án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi cơ quan điều tra đã bắt người rồi, họ dễ bị tâm lý phải tìm cho bằng được "chứng cứ" để chứng minh đã bắt đúng người, từ đó dẫn đến hiện tượng bức cung, dùng nhục hình với người bị tình nghi, trong khi cơ chế để luật sư tham gia vào giai đoạn tố tụng này hiện chưa được cởi mở.
Nhìn từ góc độ pháp lý, Hiến pháp cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự đều khẳng định "Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Tuy người bị tình nghi vẫn phải chịu "một số biện pháp cưỡng chế nhất định", nhưng như thế không có nghĩa là có thể tùy tiện bắt giam vì họ chưa phải là người phạm tội và hiển nhiên chưa bị mất hoặc hạn chế quyền công dân. Trong khi quyết định này thậm chí có tác động "bước ngoặt" đến số phận pháp lý của đương sự. Theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc ra quyết định phê chuẩn lệnh tạm giam, tạm giữ hiện nay gần như chỉ thuộc về một cá nhân là lãnh đạo viện kiểm sát hoặc tòa án (trường hợp quyết định của cơ quan điều tra cần phê chuẩn của viện kiểm sát). Rõ ràng, một quyết định đầu tiên có tính sống còn với địa vị pháp lý của đương sự đang bị thiếu tính giám sát, kiểm tra chéo. Với những trường hợp phạm pháp quả tang, có chứng cứ rõ ràng là một lẽ, nhưng với những vụ án kiểu như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn thì việc chỉ một người ra quyết định, lại không có sự tham gia của luật sư, rất dễ bị cảm tính dẫn đến oan sai cho người vô tội.
Chính vì thế cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn ngay từ khâu đầu tiên là khởi tố vụ án và bị can. Trước khi ra quyết định tạm giam, tạm giữ nên chăng cần có cuộc làm việc với sự tham gia của người bị tình nghi, luật sư của họ với cơ quan tố tụng (điều tra, kiểm sát) dưới sự điều hành của tòa án để phản biện công khai việc phê chuẩn quyết định bắt giam hay không? Và tòa án sẽ là cơ quan có thẩm quyền căn cứ kết quả phản biện để ra quyết định cuối cùng. Đây là điều đang được áp dụng ở nhiều quốc gia, nó vừa bảo đảm được quyền tự do, bình đẳng trước pháp luật của công dân, bảo đảm tính minh bạch, công khai, khách quan trong tố tụng và sẽ là rào chắn hữu hiệu làm giảm các vụ án oan sai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.