Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn trường hay chọn nghề?

Thanh Phong| 22/04/2012 06:39

Ngày 23-4 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thi vào các trường đại học. Ấy vậy mà không ít sĩ tử vẫn "lơ mơ" giữa chuyện chọn thi vào trường "vừa sức" hay chọn một ngành nghề yêu thích và phù hợp với khả năng của mình. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của các bạn và lời khuyên của cô giáo về vấn đề này nhé.

Em Nguyễn Minh Thăng (học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng):

- Em thi khối A, lại có học lực "tầm tầm" nên em cũng chỉ chọn trường có mức điểm chuẩn "dễ xơi" thôi. Trước khi nộp hồ sơ, em đã lên mạng "nghiên cứu" điểm chuẩn của các trường để chọn ra những trường có mức điểm không quá cao. Những trường đại học thuộc "top" đầu, có chất lượng giáo dục cao, cơ sở vật chất đầu tư tốt hơn nhưng điểm chuẩn "chót vót" nên chỉ dành cho các bạn học khá. Nhiều bạn ở lớp em cũng có cách chọn trường như vậy. Cứ xác định nộp hồ sơ vào một trường điểm chuẩn thấp để chắc đỗ đã, còn việc ra trường xin việc làm thế nào, dễ hay khó, hợp hay không hợp thì… tính sau.

Em Hoàng Mỹ Hạnh (học sinh lớp 12, Trường THPT Thăng Long):

- Học lực của em vào hàng khá trong lớp, do đó em cũng có nhiều định hướng hơn trong việc chọn trường dự thi. Tuy nhiên, bố mẹ em lại muốn hướng em thi vào các trường đào tạo các ngành nghề "hot" như tài chính, ngân hàng, kế toán… để ra trường dễ xin việc hơn. Trong khi đó, em lại rất muốn thi vào sư phạm để trở thành giáo viên. Một vấn đề khác, sau khi chọn một ngành nghề thì lại có quá nhiều trường đào tạo ngành nghề này, do đó em chọn nộp hồ sơ vào một trường có danh tiếng để tấm bằng tốt nghiệp cũng có giá trị hơn.

Cô Hoàng Kim Thu (giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):

- Thực tế hiện nay là HS chủ yếu nộp hồ sơ dự thi vào các trường đại học thông qua việc tra cứu điểm chuẩn của các năm trước thay vì tìm hiểu kỹ mô hình giáo dục của trường. Sau khi đã xác định năng lực học tập của mình, nhiều em có xu hướng chọn các ngành học và chọn trường vừa sức học của mình. Các em học khá thì muốn chọn các ngành, nghề có mức thu nhập cao như ngân hàng, y, công nghệ thông tin… Với cách chọn như vậy, các em đã làm mất đi một yếu tố quan trọng khi chọn ngành học đó là sở thích nghề nghiệp, bởi có yêu thích việc gì thì người ta mới nỗ lực phấn đấu để đạt được điều mình mong muốn.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp HS lệ thuộc vào quyền quyết định của bố mẹ về vấn đề chọn nghề sau này. Mọi lời khuyên đều rất bổ ích và quan trọng, nhưng cũng chỉ nên tham khảo. Người lớn không nên ép buộc con em mình phải thi vào ngành mà các em không thích, hoặc bậc học không tương xứng. Việc chọn nghề xuất phát từ sở thích, nguyện vọng của bản thân sẽ bền vững hơn. Giữa nghề yêu thích và nghề "hot", các em nên lựa chọn một ngành nghề mà mình có đam mê và thích hợp với năng lực của mình bởi "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Nếu có đam mê thực sự với nghề đó, chuyên tâm nâng cao khả năng của mình thì dù nghề đó không "thời thượng" thì cũng rất dễ tìm việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chọn trường hay chọn nghề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.