(HNM) - Nhà hát Lớn Hà Nội, không nghi ngờ gì nữa, là một thiết chế văn hóa đặc biệt của Việt Nam chứ không của riêng Hà Nội, dù mô hình kiến trúc nhà hát kiểu này còn có tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh. Từ lâu, khi nghe nói về các chương trình nghệ thuật diễn ra tại đây, người ta có ngay cảm giác về chất lượng nghệ thuật ở trình độ cao, ngay cả khi chương trình chưa diễn ra.
Điều đặc biệt ở nhà hát này là sự sang trọng toát ra không chỉ nhờ kiểu cách kiến trúc, kịch mục biểu diễn thường được chọn lựa kỹ càng nhằm loại trừ những chương trình “nặng về gào thét, quay cuồng”, mà còn ở cách ứng xử của đa số khán giả khi tới đây - lịch lãm và văn minh. Nói một cách khác, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi tập hợp của cái đẹp nhiều mặt mà nếu có được một định hướng hoạt động tốt, phù hợp, đó sẽ là điểm đến nghệ thuật nổi danh mang tầm quốc tế.
Đầu tháng 12-2016 vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị nghệ thuật nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong năm 2016. Đề ra kế hoạch và đánh giá việc thực hiện kế hoạch tổ chức biểu diễn tại đây, rõ ràng là cơ quan quản lý hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam đã tính đến - một cách nghiêm túc, bài bản hơn - phương án biến Nhà hát Lớn Hà Nội thành một địa chỉ nghệ thuật mang tính biểu tượng. Thực hiện kế hoạch này, trong năm qua đã có hàng chục chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập được xếp lịch vào Nhà hát Lớn Hà Nội, trong đó có những kịch mục nghệ thuật truyền thống.
Giúp Nhà hát Lớn Hà Nội thường xuyên “đỏ đèn”, đồng thời tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật công lập giới thiệu “món tủ” của mình trước đối tượng khán giả được mở rộng hơn tại một không gian nghệ thuật sang trọng và xây dựng nhà hát này trở thành địa chỉ lớn về nghệ thuật là chủ trương đáng được tôn trọng, nhưng đó là tập hợp của những phần việc khác nhau. Không dễ để xây dưng hình ảnh ở tầm mức xứng đáng cho nhà hát một cách hiệu quả khi dựa vào phép cộng chương trình nghệ thuật đơn thuần mà quên đi sự cần thiết phải tạo ra điểm nhấn nhờ một vài bộ môn nghệ thuật phù hợp với công năng, kiến trúc, truyền thống biểu diễn tại đây, và tập trung nhiều hơn cho những bộ môn đó. Như Nhà hát Lớn (Bolshoi) tại thủ đô của nước Nga, dù dung nạp nhiều loại chương trình nghệ thuật nhưng vẫn được cả thế giới công nhận là “thánh đường” của ballet và opera.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm ngoái, nhân kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kế hoạch “mở rộng cửa cho các chương trình nghệ thuật vào Nhà hát Lớn” được bắt đầu bằng ba buổi diễn đáng chú ý: Chương trình hòa nhạc giao hưởng đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của Nhà hát Kịch Việt Nam và chương trình âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực của Nhà hát Chèo Việt Nam. Đó là sự sắp xếp ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn cho ra mắt đầu tiên những gì phù hợp hơn cả? Chúng ta sẽ chọn “xương sống” là nghệ thuật truyền thống nói chung hay tập trung cho những bộ môn phù hợp hơn cả? Liệu các chương trình hòa nhạc có nên được ưu tiên, có thể tìm được nguồn kinh phí xã hội hóa đủ để mời các dàn nhạc lớn của nước ngoài hoặc dàn dựng thêm nhiều tác phẩm của nhạc sĩ trong nước? Việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tại đây sẽ được thực hiện ra sao để các đoàn không phải ôm đồm khi đưa chương trình tới Nhà hát Lớn?
Dưới góc độ hội nhập, các tour du lịch quốc tế thường có nội dung đưa khách tham quan những chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc của địa phương, quốc gia. Với một trung tâm du lịch lớn của đất nước như Hà Nội - các chương trình nghệ thuật tại Nhà hát Lớn có thể và có nên hướng tới mục tiêu này?...
Dù gì, sẽ là tốt hơn nếu chúng ta xác định được điểm nhấn cho “thánh đường nghệ thuật”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.