LTS: Vừa qua, giới văn nghệ sĩ tổ chức một số hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-2013, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật) và 10 năm ngày mất nhà viết kịch Lộng Chương (2003-2013, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật).
LTS: Vừa qua, giới văn nghệ sĩ tổ chức một số hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-2013, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật) và 10 năm ngày mất nhà viết kịch Lộng Chương (2003-2013, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật). Dịp này, xin giới thiệu cùng bạn đọc câu chuyện nhỏ giản dị ghi dấu ấn kỷ niệm về tình bạn, tình yêu nghệ thuật của hai ông, do con gái nhà viết kịch Lộng Chương chia sẻ.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kịch thơ (thứ hai từ phải sang là nhà thơ Trần Huyền Trân, thứ ba là nhà viết kịch Lộng Chương).Ảnh tư liệu |
Khoảng tháng 3-1979, cha tôi - nhà viết kịch Lộng Chương được Viện Nghiên cứu sân khấu (lúc đó Viện trưởng là ông Hoàng Châu Ký) mời đến trao đổi về việc thành lập Câu lạc bộ Kịch thơ (do Viện đỡ đầu, ủng hộ một phần về tổ chức, cơ sở vật chất). Thành phần dự kiến tham gia CLB Kịch thơ là các nghệ sĩ chuyên và không chuyên, tác gia, nhà lý luận sân khấu, họa sĩ, nhạc sĩ… với tinh thần tự nguyện, vô tư, thiết tha với thể loại kịch thơ.
Với một CLB mang tính chất "tay không" về vật chất và đường lối hoạt động như thế, đương nhiên trong Ban vận động thành lập CLB không thể thiếu gương mặt nhà thơ Trần Huyền Trân, người bạn tri kỷ của Lộng Chương từ giữa năm 1957, khi hai người cùng với bạn hữu đứng ra thành lập Đoàn chèo Cổ Phong, cũng với tư thế của những ông bầu "tay trắng".
Ngày 24-4-1979, Ban Chủ nhiệm CLB Kịch thơ được thành lập, trong đó, cha tôi được cử làm Chủ nhiệm; ngoài việc cùng nghệ sĩ Đào Mộng Long gánh vai Phó Chủ nhiệm, bác Trần còn được tín nhiệm vào vị trí chỉ đạo nghệ thuật. Tại buổi họp của Ban Chủ nhiệm CLB nhằm thông qua dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động tại nhà cha tôi - 47 phố Hàm Long, sau khi mọi người ra về hết, riêng bác Trần vẫn nán lại. Ngồi nhà ngoài, tôi nghe cha và bác Trần trao đi đổi lại rất lâu, có vài ý mà tôi nghe rõ… Bác Trần nói:
- Ông Lộng Chương này, phải là kịch có thơ đấy nhé! Diễn viên phải truyền đến khán giả sự rung động của thơ.
- Ông nói đúng! Vì đây là CLB Kịch thơ. Hơn nữa, nghệ thuật biểu diễn phải nâng cao, ông ạ! - Cha tôi tán đồng ý kiến của bạn.
- Ờ… ờ, trang trí và phục trang phải làm cho thật đẹp, thật hấp dẫn. Chứ không thể phục trang như hồi hai mươi năm trước đây làm với Đoàn chèo Cổ Phong - Bác Trần càng nói càng hăng.
- Ông nói đúng, phải làm cho ra làm. Làm đến nơi đến chốn - Cha tôi hỉ hả đáp lại.
Rồi sau đó, tôi nghe "cách" một cái rõ to và tiếng hai cụ cùng cười ha hả. Tôi chắc hai cụ đang hồ hởi chạm ly để tự chúc mừng "tư tưởng lớn" lại gặp nhau một lần nữa, sau cái lần cùng "thai nghén" Đoàn chèo Cổ Phong… Sự ra đời của CLB Kịch thơ đã được thông tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tối thứ bảy, ngày 2-6-1979 và Báo Hànộimới chủ nhật số ra ngày 3-6-1979. Chuẩn bị cho đêm ra mắt đầu tiên, Ban Chủ nhiệm dự kiến chọn trích đoạn vở "Lý Thường Kiệt" của bác Trần, "Tình sử Loa thành" của cha tôi và "Ngõ thề" của Trúc Đường.
Giờ đây, khi nhớ lại câu chuyện này, tôi thầm cười cha mình và bác Trần về cái tính "lãng mạn nhất trong những người lãng mạn của thế kỷ XX". Tại sao tôi cười hai cụ? Bởi, năm 1979 là quãng thời gian vô cùng khó khăn của nền kinh tế đất nước sau chiến tranh, tất cả đang gồng mình vật lộn với miếng cơm manh áo mỗi ngày, vậy mà hai cụ lại hăm hở thành lập CLB Kịch thơ với "số vốn" chỉ là hai bàn tay trắng cùng tình yêu nghệ thuật hết mình. Hơn thế, lại còn tự yêu cầu phải có trang phục đẹp, trang trí hấp dẫn, chất lượng nghệ thuật biểu diễn phải cao nữa chứ…
Hoạt động của CLB Kịch thơ theo một lịch trình liên tục, dày đặc, từ đầu tháng 4-1979 đến đầu tháng 7-1979 thì nhanh chóng đi vào tan rã. Kết quả không thành công của CLB Kịch thơ có rất nhiều nguyên nhân. Và tôi nghĩ rằng, mang nỗi buồn và thất vọng ghê gớm chắc chắn phải là những người nhiều tâm huyết như bác Trần, như cha tôi. Tôi tự hỏi, không biết khi "mộng đẹp" về một CLB Kịch thơ tan vỡ, hai cụ có ngồi lại với nhau sau đó, và trên tay, mỗi người một ly rượu nhỏ để "Rót đau lòng ấy vào đau lòng này" (thơ bác Trần) không?
Nay, cha tôi và bác Trần đã cùng về cõi cửu tuyền. Chẳng biết ở nơi ấy, hai cố nhân đã gặp lại nhau chưa? Và nếu họ gặp lại, liệu có cùng nhau xây mộng đẹp về một nền sân khấu mà khi sống hai người từng kỳ vọng?... Tôi không rõ nữa, chỉ biết là mình muốn kể lại câu chuyện nhỏ bé này, những muốn chia sẻ tâm tính người xưa và tình yêu nghệ thuật thiết tha của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.