Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Xuân Lộc| 07/10/2011 07:12

(HNM) - Dư luận trong những ngày qua xôn xao về việc Bộ VH,TT&DL vội vàng bổ nhiệm diễn viên Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ Du lịch chỉ một ngày sau khi đưa ra quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam.

Quyết định vội vã...

Không "rùm beng" như cuộc thi tìm biểu tượng (logo) và slogan (tiêu đề) cho Chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2015, việc tuyển chọn đại sứ du lịch diễn ra chớp nhoáng và gây nhiều bất ngờ. Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam được Bộ VH,TT&DL ban hành ngày 20-9. Một ngày sau đó, Bộ đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ - BVHTTDL bổ nhiệm bà Trần Thị Thanh Nhàn (nghệ danh Lý Nhã Kỳ) trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam. Quy chế cũng có nêu rõ: "Các cá nhân tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử lập hồ sơ có đơn đề nghị ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam gửi về Cục Hợp tác quốc tế Bộ VH,TT&DL để tập hợp, làm tờ trình, lấy ý kiến Bộ Ngoại giao, Tổng cục Du lịch, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Văn phòng Bộ và các đơn vị có liên quan trước khi trình Bộ trưởng ra quyết định bổ nhiệm". Nếu làm theo đúng quy trình trên thì không thể chỉ trong một ngày, du lịch Việt Nam đã có ngay đại sứ.

Lý Nhã Kỳ được Bộ VH, TT & DL chọn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam đầu tiên.


Cách làm trên gây nhiều tranh cãi ngay cả đối với  những người trong ngành. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hanoi Redtours cho rằng, ngành du lịch quyết định một sự việc liên quan đến hàng nghìn hãng lữ hành mà không có bất kỳ sự tham khảo nào từ họ. Nhìn vào quy trình chọn đại sứ, nhiều người làm du lịch ngờ rằng, đại sứ đã được lựa chọn từ trước, sau đó cơ quan chức năng mới căn cứ vào đó để đưa ra quy chế và các tiêu chuẩn mà một đại sứ du lịch cần phải có. Nếu minh bạch, Bộ phải đưa ra danh sách đề cử và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trên 3 kênh: công chúng, doanh nghiệp du lịch và các phương tiện thông tin đại chúng.

Với bất kỳ ngành du lịch của quốc gia nào trên thế giới, việc chọn đại sứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó phải là những người có khả năng quảng bá, tuyên truyền giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, đất nước, con người... đến bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nhiều khách du lịch hơn. Mỗi quốc gia có cách chọn đại sứ khác nhau, nơi là đại sứ toàn cầu, nơi lại tìm đại sứ cho từng thị trường cụ thể. Bất cứ người nào, nhân vật nào, biểu tượng nào giúp họ quảng bá, thu hút khách du lịch một cách tốt nhất đều có thể được chọn làm đại sứ. Đơn cử như Hàn Quốc, thay vì chọn chính diễn viên hay ca sĩ của đất nước mình, họ lại chọn ca sĩ Mỹ Linh làm đại sứ du lịch tại thị trường Việt Nam. Bởi hơn ai hết, những người đứng đầu ngành du lịch xứ Kim chi hiểu rằng, nhắc đến nữ ca sĩ này, bất cứ người Việt nào cũng biết, trong khi nếu chọn một nhân vật nước họ thì hiệu ứng sẽ không bằng. Thế nhưng, cách chọn đại sứ du lịch của nước ta không như vậy. "Lý Nhã Kỳ - một nữ diễn viên vốn nổi tiếng và được người dân trong nước biết đến nhờ không ít scandal. Trong khi đó, đối với những thị trường tiềm năng mà ngành "công nghiệp không khói" nước ta cần hướng tới để quảng bá như: Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... lại không hề hay biết cô diễn viên này là ai...", ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.

Cần sự điều chỉnh hợp lý

Theo ý kiến của nhiều hãng lữ hành trên địa bàn Hà Nội, việc tuyển chọn Đại sứ Du lịch không phải là một cuộc thi mà chỉ có một người thắng cuộc mà tất cả những ai có khả năng quảng bá cho du lịch Việt Nam, thu hút du khách đến với đất nước "hình chữ S" đều có thể được coi là một đại sứ. Chính vì vậy, Bộ VH,TT&DL nên sửa sai bằng việc bổ sung thêm các đại sứ ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh, nhà khoa học, chính khách... mà sự nổi tiếng của họ được cả thế giới thừa nhận. Chẳng hạn như: GS Ngô Bảo Châu, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, GS Trần Văn Khê... những nhân vật này với tầm ảnh hưởng của họ mới có thể tạo ra "tiếng vang" cho ngành du lịch Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, Đại sứ Du lịch có thể không phải là một con người cụ thể mà là một linh vật hay biểu tượng nào đó. Thông qua biểu tượng mèo Hello Kitty và chuột Micky mà cả thế giới càng thêm ấn tượng với hai cường quốc hùng mạnh là Nhật Bản và Mỹ. Còn Việt Nam đang sở hữu trong tay di sản thế giới Vịnh Hạ Long hay Thăng Long nghìn năm văn hiến có thể chọn con rồng làm biểu tượng, hay nổi tiếng với nền văn minh lúa nước thì chọn con trâu hiền lành chăm chỉ...

Tìm được Đại sứ Du lịch xứng đáng cũng là việc cần làm nhưng điều quan trọng nhất của du lịch Việt Nam vào thời điểm này lại là làm thế nào để "giữ chân" du khách. Vì thế, bên cạnh việc tập trung quảng bá mạnh và đúng vào thị trường tiềm năng, ngành du lịch nên giảm bớt các hoạt động bề nổi để tập trung vào những hoạt động có chiều sâu để du khách biết và yêu mến Việt Nam không phải vì có một đại sứ xinh đẹp mà vì đây là điểm đến có nhiều điều hấp dẫn và khó quên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn Đại sứ Du lịch Việt Nam: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.