Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chọn... cho và chọn... bỏ

Hoàng Thu Vân| 02/12/2014 05:44

(HNM) - Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi). Đây là hai luật có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư của đất nước.


Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nội dung cơ bản nhất được thay đổi trong Luật Đầu tư là phương pháp tiếp cận. Nếu như trước đây phương pháp tiếp cận là "chọn - cho" - có nghĩa là trong luật quy định những lĩnh vực được phép đầu tư kinh doanh, thì lần này chúng ta sử dụng phương pháp tiếp cận là "chọn - bỏ". Hiểu một cách đơn giản có nghĩa là luật không quy định cho phép được làm gì (cho), mà quy định những điều không được làm (bỏ), điều gì cấm, việc gì cần hạn chế thì quy định cụ thể trong luật. Cụ thể là có 6 ngành nghề bị cấm, 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều đó đồng nghĩa với việc, những gì pháp luật không ngăn cấm thì người dân, doanh nghiệp được tự do đầu tư, kinh doanh. Đây cũng là tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của doanh nghiệp.

Tất cả đều minh bạch, rõ ràng, mọi đơn vị, tổ chức, công dân đều có thể tiếp cận với những quy định cụ thể của pháp luật. Như vậy sẽ tránh được những "khoảng tối" mà người ta có thể lợi dụng sách nhiễu, tiêu cực thông qua việc "xin - cho". Ấy mới chính là cái gốc của việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ xã hội của bộ máy nhà nước. Nói cách khác, nền hành chính truyền thống được chuyển sang nền hành chính phục vụ, cách thức quản lý phải có sự thay đổi, phù hợp với xu thế chung của sự phát triển. Trên thực tế, đây là mong muốn chính đáng của người dân khi sự dân chủ trong đời sống ngày càng được nâng cao, người dân với vai trò là những người chủ của đất nước ngày càng có điều kiện tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý hành chính nhà nước. Tuy nhiên như đã nói, không phải mọi cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước đều mong muốn mục tiêu đó thành hiện thực khi những cơ hội tư lợi cho cá nhân bị giảm thiểu; sự công khai, minh bạch thể hiện qua những quy định cụ thể của pháp luật giúp cho việc giám sát thực thi công vụ của các đơn vị, tổ chức, người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, với phương pháp tiếp cận là "chọn - bỏ", những thay đổi về chính sách pháp luật buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải năng động, linh hoạt, nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao. Bấy lâu nay, nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống đã được các cơ quan chức năng đơn giản hóa bằng "công thức" không quản được thì cấm đoán một cách máy móc, cứng nhắc, kìm hãm sự phát triển của xã hội...

Vì những lý do nêu trên mà phương pháp tiếp cận "chọn - bỏ" trong xây dựng pháp luật được coi là phương pháp khó, không phải quốc gia nào cũng áp dụng. Song, đối với sự phát triển chung, nền hành chính nhà nước với chức năng quản lý xã hội cần phải thích ứng với quá trình vận động và biến đổi để liên tục đổi mới và cải cách nhằm phù hợp với xu thế chung của thời đại. Lợi ích thấy rõ của phương pháp "chọn - bỏ" trong xây dựng pháp luật là... loại bỏ sự trì trệ, yếu kém trong tư duy và hoạt động, cũng như loại bỏ điều kiện phát sinh tiêu cực, phiền hà đối với xã hội của bộ máy quản lý hành chính nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chọn... cho và chọn... bỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.