(HNM) - Việc dời long vị, sập thờ... của Vua Minh Mạng và hoàng hậu Hồ Thị Nga tại khu vực đền thờ Vua Minh Mạng (thuộc quần thể di tích Cố đô Huế) để làm trường quay phim Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, Hãng phim truyện I sản xuất) khiến không ít nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… đã lên tiếng phản ứng.
Cảnh trong phim Thái sư Trần Thủ Độ. |
Thông cảm hay trách cứ?
Tuy nhiên, những ai am hiểu công việc làm phim đều không xa lạ với việc xê dịch vật dụng hay bố trí lại công năng các không gian kiến trúc cho phù hợp với câu chuyện trong kịch bản, kể cả phải đưa bồn tắm vào cung điện hay làm phòng ngủ của vua, chúa ở khu vực đền thờ. Dĩ nhiên, sau khi quay xong, đoàn phim phải hoàn trả lại không gian và vị trí ban đầu của vật dụng, nhưng người ngoài nếu bắt gặp những cảnh này dễ phản ứng.
Có lẽ do thúc ép về tiến độ nên đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ đã không chọn được thời điểm thích hợp để quay. Chứ thật ra, rất nhiều bộ phim đã quay tại các di tích lịch sử, kể cả ở di tích Cố đô Huế. Đêm hội Long Trì còn ở đó hơn nửa năm, nhưng do biết chọn thời gian quay vào lúc vắng khách, vả lại cách đây hơn chục năm thì du khách đến Huế không nhiều như bây giờ, nên mọi việc vẫn êm xuôi.
Sử dụng nhà chùa, đền thờ... làm bối cảnh không những có thể làm ảnh hưởng đến giá trị vật chất của các công trình kiến trúc này mà còn rất dễ xúc phạm đến đời sống tâm linh của người Việt. Ở Việt Nam, mỗi khi đến đền, chùa, ai nấy đều có ý thức tôn trọng và kiêng dè. Ngày trước, người đi qua đền, chùa còn không dám nói lớn. Nhưng với đoàn phim hàng trăm người thì việc giữ nghiêm trang nơi chốn linh thiêng là rất khó. Từ kinh nghiệm làm phim Ngọn nến Hoàng cung, đạo diễn Quốc Hưng chia sẻ: “Di tích lịch sử văn hóa thu hút nhiều du khách nên các nhà làm phim cần cố gắng hạn chế quay ở khu vực và thời gian có nhiều du khách đến tham quan. Điều quan trọng là cần có kỷ luật để mọi người trong đoàn phim có ý thức tôn trọng di tích, không có hành vi gây phản cảm và làm mất mỹ quan, nhất là quay các cảnh nhạy cảm”.
“Ăn sẵn” rất dễ dẫn đến sai lệch lịch sử
Không khó nhận ra, đoàn làm phim Thái sư Trần Thủ Độ quay cảnh thời Lý tại khu vực di tích lăng tẩm của một ông vua nhà Nguyễn sẽ khó tránh khỏi những sai lệch lịch sử, vì phong cách kiến trúc của hai giai đoạn lịch sử cách nhau gần 600 năm này có nhiều điểm khác nhau. Trước đây, ngoài các cảnh quay tại Văn Miếu, thành Cổ Loa... Đêm hội Long Trì còn quay tại di tích Cố đô Huế. NSND, đạo diễn Hải Ninh cho rằng, việc mượn bối cảnh kiến trúc thời Nguyễn để quay phim về thời Lê - Trịnh là “ép duyên”…
Bộ phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng) về mối tình của đại thi hào Nguyễn Du với người con gái gảy đàn ở kinh thành Thăng Long quay cảnh phố xá tại Bảo tàng phố cổ Hà Nội rộng hơn 5.000m2 trong khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội). Nhưng bảo tàng ngoài trời này mô phỏng khu phố cổ Hà Nội nên theo kiến trúc của Pháp, trong khi truyện phim diễn ra vào thời Nguyễn... Làm phim tại khu vực phố cổ Hà Nội, nghe ra thì có vẻ phù hợp với bối cảnh phim Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh) nhưng các nhà làm phim cũng không ít phen... khốn đốn. Có những ngày quay chỉ để chỉnh sửa vì lọt vào khuôn hình cảnh quay hôm trước là... chiếc ăng ten chảo.
Song ngay cả khi kéo quân sang Trung Quốc thuê phim trường để quay cũng có những bất cập. Bộ phim Đường tới thành Thăng Long (Công ty Trường Thành và kênh SCTV của Trung Quốc hợp tác sản xuất), quay hoàn toàn tại Trung Quốc, dù trường quay có đủ tất cả các khung cảnh từ cổ đại cho đến hiện đại và theo các phong cách kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên, kiến trúc Việt Nam khác nhiều với kiến trúc Trung Quốc nên những người làm phim thổ lộ: Chỉ có thể lựa chọn cái gì na ná, giông giống thôi, chứ đòi hỏi cái gì cũng hoàn toàn như nước ta thì rất là khó khăn”.
Phải chuẩn bị chu đáo và có trường quay phim lịch sử
Bối cảnh và trang phục là những yếu tố quan trọng nhất góp phần tái tạo không khí lịch sử cho bộ phim. Nhưng với điều kiện hiện nay, đi sang Trung Quốc thì mang tiếng “lai Tàu”, mà sử dụng bối cảnh trong nước lại rắc rối xảy ra như với trường hợp đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ.
“Để làm được bộ phim lịch sử thuần Việt phải tốn tiền, mất thời gian, phải chuẩn bị nhiều năm, đừng để nước đến chân mới nhảy”, ông Hoàng Song Hào, Chủ nhiệm Khoa Thiết kế mỹ thuật ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội chia sẻ với báo giới. Những “cái khó” này không phải các nhà làm phim và những người có chức phận quyết định làm phim không biết, nhưng vì tiến độ phải ra mắt vào tháng 10-2010 nên bằng mọi giá phải làm cho xong. NSND Hải Ninh cho hay, ông đã đề cập trường quay cho điện ảnh từ cách đây mấy chục năm nhưng đến nay vẫn chưa có trường quay nào đúng nghĩa…
Hai dự án phim lịch sử hoành tráng hứa hẹn khởi quay trong năm nay: Khát vọng Thăng Long (40-50 tỷ đồng) và Đinh Tiên Hoàng đế (10 tỷ đồng). Còn Huyền sử Thiên đô quay hoàn toàn trong nước đã bấm máy với kinh phí khoảng hơn một tỷ đồng/tập. Chưa rõ những di tích lịch sử nào tiếp tục bị biến thành trường quay? Và khi chưa có trường quay thì còn nhiều di tích bị ảnh hưởng! Cái khó bó cái đúng là như vậy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.