Trong
Hoa Thủy tiên
Hoa thủy tiên thường được dân sành điệu tìm chơi vào mấy ngày tết. Gọt, tỉa, hãm làm sao để hoa trổ vào đúng giao thừa, mùng 1 cũng có nghĩa là năm đó đại phúc, đại lộc. Bởi cái sự khó khăn ấy, không phải ai cũng biết chơi thứ hoa này. Nhữngngười sành chơi bắt đầu tìm mua hoa thủy tiên khi cơn gió lạnh cuối đông vẫn còn mà vẫn nghe thoảng đâu đó hơi ấm mùa xuân đã bắt đầu. Chọn thủy tiên khô do các thương buôn mang về từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Hoa cũng không phải là dễ. Chọn sao để sau khi đem ngâm nước, củ nào củ nấy đều căng mọng như củ hành tây chờ ngày nhú mầm.
Khi thấy đã có thể gọt tỉa được rồi, những người chơi hoa sẽ phải tìm chỗ kín đáo, không sáng không tối, ít gió để làm công đoạn này. Đây chính là phần công phu nhất, khó khăn nhất của nghề chơi cổ truyền với ý nghĩa như một nghi lễ. Cái giỏi của những người gọt tỉa là phải xác định cho đúng mặt chính của củ. Chọn sai củ sẽ đâm mầm tréo nghẹo, coi như hỏng. Khi gọt phải lựa cho khéo kẻo phạm phải chỗ đọt mầm tương lai vừalàm nát củ, vừa chột mất cả giò thủy tiên. Rồi lại phải gọt làm sao cho các mầm hoa đều vươn theo hướng đã chọn. Người chơi giỏi còn có thể nói trước cái thế của hoa sau này ngay khi gọt tỉa.
Công đoạn này kéo dài nhiều lần. Cứ sau mỗi bận gọt sửa lại phải lau rửa thủy tiên bằng chổi lông gà hay chổi tóc và phải rất nhẹ tay, tránh làm tổn thương tới các mầm đọt non và bộ rễ vừa nhú.
Từ lúc nảy mầm, đâm rễ, trổ giò, kết nụ... cũng phải mất chừng 4 - 5 lần gọt tỉa và vài chục lần thay nước. Giống hoa tinh khiết này ưa uống nước sạch hàng ngày và phải được đặt nơi thoáng mát, không bụi bặm, sạch sẽ và tinh khiết.
Khi củ hoa đã trổ đủ mầm chính (ba - năm - bảy - chín là hay, Tam đa, Ngũ phúc, Thất hiền, Cửu long), người chơi hoa sẽ đặt nó vào trong bình hoặc bát thủy tinh để cố định dáng hoa.
Việc chăm sóc hoa trong giai đoạn này khó khăn nhất bởi những khắc nghiệt của thời tiết và môi trường. Có khi chỉ cần một đợt nắng nóng ào tới, thế là bao nhiêu công chăm bón vứt đi cả. Vào dịp 23 Tết, đợt hoa đầu tiên của thủy tiên sẽ nở. Hương thơm nhẹ nhàng của nó sẽ lẫn vào hơi ấm nồng nàn của mùa xuân báo hiệu Tết về.
Dân Thăng Long xưa, chơi hoa thủy tiên bao giờ cũng phải nhờ người biết hãm sao cho hoa nở đúng giao thừa, mùng 1. Cách hãm thì mỗi người mỗi bí quyết. Thông thường người ta dùng nước ấm thay thường xuyên để thúc và lấy lòng trắng trứng gà phết một lượt bên ngoài nụ để hãm hoa nở.
Các cụ xưa thường đặt tên cho mỗi cụm hoa thủy tiên sau khi nở theo dáng hoa, nào là phượng múa, rồng bay, hạc chầu, tiên sa... Mỗi cụm hoa, khi hé nở dịu dàng, e ấp quả là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh mang đậm dấu ấn khéo léo của người chơi hoa. Ngày trước, thường có cuộc thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã hay đền Ngọc Sơn. Gia đình nào đoạt giải, năm đó coi như làm ăn phát tài đã đành, mà còn là đại cát, đại phúc.
... Bây giờ cơ chế thị trường có cái hay là người ta bày bán hoa thủy tiên ê hề, chỉ tội hơi đắt một chút. Tiện, nhưng lại mất đi cái thú chơi lịch lãm mà bất kỳ ai yêu hoa đều có thể làm thử - một thú chơi độc đáo rất riêng của người Tràng An.
Trí Tri
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.