Thế kỷ 16 - 18, mạng lưới chợ ở Thăng Long phát triển mạnh mẽ do đây là nơi phồn hoa đô hội, tụ tập đông người. Theo Phan Huy Chú thì lúc ấy ở Thăng Long có khoảng 8 chợ vào loại lớn như: chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Bắc Cử, chợ Văn Cử, chợ Đình Ngang, chợ Huyện, chợ Bà Đá, chợ Ông Nước, trong đó Chợ Cửa Đông là một chợ lâu đời có từ thời Lý-Trần.
Chợ Thăng Long thường được họp ở những nơi công cộng đông người qua lại như các cửa ô, cửa thành, bên bờ sông, bờ kênh.
Trong Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ có miêu tả lại quang cảnh một phiên chợ - chợ bạch Mã - vào khoảng cuối thế kỷ 18: “Là một hội chợ rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp ngựa, có khi thò tay vào túi ngưòi ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm chợ ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc quần áo người ta hoặc khuân đồ vật hàng hóa. Vì vậy cảnh họp chợ Bạch Mã đã được coi như một trong tám cảnh sinh hoạt điển hình của Thăng Long đời Lê - Trịnh và được một sứ thần Trung Quốc là Ngụy Tiếp làm thơ vịnh:
“Gió hòa bụi chợ đông người
Phất phơ tay áo đua chơi chen cùng
Ngày dài thuyền chở xe dong
Bán buôn lũ lượt trập trùng chen đua
Cuối đền nhà cửa nhấp nhô...”
Chợ được họp khắp nơi, toàn bộ Kẻ Chợ như một cái chợ khổng lồ bao gồm nhiều chợ lớn nhỏ trải rộng khắp thành phố mà dày đặc nhất vẫn là khu buôn bán tập trung phía đông.
Thời gian họp chợ ở Thăng Long không giống nhau, có chợ thì họp ban ngày, có chợ mỗi tháng hai lần, nhưng thời gian thì có kéo dài hơn chợ ở các địa phương khác tức là cho tới tận 5 giờ chiều. Có chợ chỉ họp vào lúc chiều tối, gọi là chợ Hôm.
Chợ Thăng Long - Kẻ Chợ lúc đó buôn bán hai loại mặt hàng chính là hàng nông sản và thủ công nghiệp. Gạo là món hàng thiết yếu số một được đem từ các nơi về bày bán. “Vì gạo là thức ăn chủ yếu của người dân trong xứ, nhất là đối với những người nghèo” (Pampier). Có những trường hợp lái buôn phương Tây tham gia vào buôn bán gạo: “vào dịp gía gạo cao ở chợ, các lái buôn phuơng Tây kết hợp với các lái buôn bản xứ cùng nhau tổ chức ra những đoàn thuyền nhỏ đi tìm kiếm mua gạo ở những xứ lân cận, để chi dùng cũng như cung cấp cho thị trường (Pampier). Sau gạo là thịt cá, vì cá tươi Hồ Tây “rất ngon và rẻ mạt, những con ngon nhất và to nhất cân nặng từ 10 đến 15 cân Anh cũng may lắm mới bán được 5 đồng sols (A. Rhodes).
Thượng kinh phong vật chí ghi: “To mà béo là cá Hồ Tây, kém gì cá Lư sông Tùng, cá ngon ở hang Bính, cá chép sông Hà, cá mè sông Lạc”. Ở thế kỷ 18, hàng năm nhà nước vẫn đặt thuế đánh cá Hồ Tây, mỗi năm lên đến một nghìn quan tiền. Ngoài cá tươi ra, chợ Thăng Long còn buôn bán một số lượng khổng lồ cá cá mắm, cá khô và nước mắm đến nỗi một người nước ngoài nhận xét: “Nước mắm đựng trong những chum vại đồ sộ tỏa ra khắp phố phường một mùi nồng nặc” (Hocquard).
Sau gạo thịt cá,các chợ Thăng Long còn bán vô vàn các thứ rau quả từ các làng chuyên canh đặc sản ven đô mang về, trong đó có những thứ nổi tiếng toàn quốc, có thứ được liệt vào loại tiến vua. Sự phong phú của các mặt hàng nông sản của chợ Thăng Long - Kẻ Chợ đã được Pampier miêu tả: “Trong các chợ đó, người ta buôn bán vô vàn thóc gạo, thịt cá... Nguời ta còn thấy bán ở chợ những loại hàng như lợn, khá nhiều lợn giống, gà vịt, trứng cá to nhỏ, tươi và ướp, bã mắm và nước mắm. Ở Kẻ Chợ, ta còn thấy bán cả thịt chó và thịt mèo”.
Các mặt hàng thủ công nghiệp thì được bày bán ở các phố chuyên từng mặt hàng. Tuy nhiên vào những phiên chợ người ta cũng thấy la liệt hàng thủ công nghiệp bày bán. Mặc dù ở các phố cũng bán chuyên từng mặt hàng như phố hàng Đào bán tơ lụa, Hàng Ngang bán xiêm áo,Hàng Bạc bán đồ trang sức, kim hoàn, Hàng Đồng bán đồ đồng, phố hài Tuợng bán giày dép, phố Bát Sứ bán đồ sứ... Tuy nhiên người ta vẫn thích đi mua ở chợ, có lẽ vì chúng rẻ hơn. Trước hết đó là các dụng cụ hàng ngày của người nông dân như cày cuốc, nồi niêu bát đĩa, các loại hàng vải vóc thông dụng mà nhân dân gọi là tấm ,các loại thuốc men cần dùng. Một số chợ buôn bán tập trung các mặt hàng đặc sản như chợ Hàng Tơ ở Hàng Đào buôn bán tơ lụa, chợ Bưởi chuyên bán buôn các loại giấy sản xuất ở Yên Thái, Hồ Khẩu, Chợ Cầu Giấy cũng bán buôn giấy với một số lượng lớn.
Đa số những ngưòi đi buôn bán là phụ nữ. Sau này có một ngưòi phương Tây đã thống kê rằng cứ 100 người đi chợ thì có tới 84 người là đàn bà con gái. Giới giáo sĩ phương Tâynhận xét khi đến Thăng Long: “Phụ nữ Kẻ Chợ có một năng khiếu đặc biệt về buôn bán”.
Khi ấy, tiền giấy do Hồ Qúy Ly phát hành đã bị tịch thu để đưa ra dùng lại tiền bằng kim loại là tiền đồng và tiền kẽm. Tiền được buộc lại thành từng chuỗi, từng xâu lớn. Thứ tiền này rất cồng kềnh khó mang đến nỗi có khi người ta phải dùng đến cả xe cút kít để chở vài chục quan tiền lẻ. Cho nên với những món hàng đắt tiền, người ta thường dùng bạc nén để trao đổi cho thuận tiện.
Theo Hanea
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.