(HNM) - Có một thực tế đã tồn tại nhiều năm qua là vào những ngày giáp Tết, các loại xe máy thường bị
Một góc chợ xe máy đường Lý Tự Trọng (quận 1). |
Giá mỗi ngày mỗi khác
Theo dân trong nghề, buôn bán xe máy phất nhất vào hai thời điểm trong năm là khai giảng năm học mới và dịp giáp Tết; người dân "vung tiền" mua xe, giá cao cũng chấp nhận. Tại TP Hồ Chí Minh, dọc theo tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10), Lý Tự Trọng (quận 1)… không khí bán mua khá nhộn nhịp. Hai bên đường Lý Tự Trọng (đoạn cắt Cách Mạng Tháng Tám), hàng trăm chiếc xe tay ga từ Air Blade, Lead đến Vespa, SH, Dylan… dựng tràn ra lề đường. Theo chân một khách hàng mua xe, chúng tôi thực sự "choáng" khi chiếc xe Honda Air Blade có giá từ 42 tới 44 triệu đồng, trong khi đó giá do hãng Honda Việt Nam đưa ra là 32,9 triệu đồng! Nhân viên cửa hàng cho biết, hiện đang bán dòng xe Air Blade vỏ Thái, linh kiện, lắp ráp tại Việt Nam, giá 47 triệu đồng. Riêng dòng xe PCX vừa được hãng Honda tung ra thị trường hiện đang tạo cơn "sốt". Giá bán tại các cửa hàng dao động từ 65 đến 68 triệu đồng, cao hơn so với giá Công ty Honda Việt Nam đưa ra khoảng 15-20 triệu đồng/chiếc (giá công ty là 49,9 triệu đồng). Được biết, thời điểm này các hãng xe trong nước đang tranh thủ tung ra mẫu mới nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại phải đối mặt với những cơn sốt ảo. Nhiều chủ cửa hàng xe trên đường Lý Tự Trọng khẳng định: "Giá mỗi ngày mỗi khác. Không mua nhanh ngày mai chưa chắc còn giá này".
Chung cảnh tăng giá là dòng xe Honda Lead, giá công ty đề xuất 31,9 triệu đồng (màu: đỏ, nâu, trắng, bạc, vàng), riêng màu ánh vàng có giá 32,490 triệu. Thế nhưng, xe đến tay người tiêu dùng ở mức giá cao ngất ngưởng từ 40-43 triệu đồng/chiếc. Các dòng xe số chân cũng tăng giá từ 1-3 triệu đồng. Chẳng hạn, xe Honda WaveS 110, phanh đĩa có giá từ 17-18 triệu đồng/chiếc, giá hãng đưa ra là 15,9 triệu đồng; Sirius RL phanh đĩa giá thị trường từ 19-20 triệu đồng, giá công ty 18 triệu đồng…
Người dân bức xúc
Hầu hết các chủ cửa hàng xe máy đều vin vào lý do giá vàng, USD, đồng nhân dân tệ… tăng giá nhằm áp giá bán cao cho khách hàng. Người tiêu dùng chấp nhận mở hầu bao với mức giá cao phi lý, có không ít người bức xúc với hiện tượng này. "Với mức giá xe tay ga chênh đến hàng chục triệu đồng, tôi cảm thấy thực sự khó hiểu. Không biết mức giá này từ đâu ra. Dù rằng, giá thị trường có biến động, nhưng không quá nhiều đến mức các cửa hàng tự cho mình quyền bán với giá cao như vậy" - chị Nguyễn Thị Linh (trú tại hẻm số 58, đường Đồng Nai, quận 10), một khách hàng mua xe máy cho biết.
Để quản lý về giá bán các loại xe ô tô, xe gắn máy trên thị trường, đồng thời nhằm ngăn chặn hiện tượng làm giá, trốn thuế, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 71/2010/TT-BTC, hướng dẫn việc ấn định thuế đối với các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ô tô, xe gắn máy. Điểm nổi bật của thông tư chính là nếu các cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy ghi giá bán trên hóa đơn giao cho người tiêu dùng thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường thì sẽ bị ấn định giá bán ra theo giá giao dịch trên thị trường và chịu ấn định thuế. Hơn nữa, Nhà nước đang quyết liệt với các biện pháp bình ổn giá thị trường. Mỗi mớ rau, con cá, cân đường… tăng giá dù chỉ vài ngàn đồng đều khiến cả xã hội quan tâm. Thế nhưng không hiểu tại sao, chiếc xe gắn máy, phương tiện đi lại khá phổ biến, tiện ích của người dân, bị đẩy giá trong một thời gian dài mà không cơ quan chức năng nào đoái hoài. Đặc biệt, số tiền bị "làm giá" hoàn toàn không nhỏ so với mặt bằng thu nhập chung của người lao động.
Thông tư 71 bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 6-2010. Nhưng cho đến nay, hiện tượng "thổi giá" xe vẫn đang tiếp diễn, thậm chí có xu hướng gia tăng. Trước mắt, người tiêu dùng bị thiệt hại nghiêm trọng, sau đó là việc Nhà nước thất thu thuế vì nhiều cửa hàng ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn so với giá bán cho khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.