(HNM) - Hình ảnh Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp trong những ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai vừa qua đã góp phần tạo ấn tượng về một Hà Nội thân thiện, hòa bình với bạn bè quốc tế.
Trong khi tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nội thành đạt 98% thì nhiều nơi ở ngoại thành, nhất là khu vực giáp ranh, rác thải tồn đọng nhiều ngày. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác. Ảnh: Hoàng Hiệp |
"Vênh" giữa thực tế và gói thầu
Để cải thiện dịch vụ vệ sinh môi trường, từ tháng 3-2017, Hà Nội đã triển khai đấu thầu “Dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020”. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày tại khu vực đô thị (12 quận và thị xã Sơn Tây) đạt tới 98-99%, thì ở khu vực nông thôn chỉ đạt 88%.
Ông Nguyễn Hữu Thoại, sống tại khu dân cư Cầu Thăng Long, xã Hải Bối, huyện Đông Anh phản ánh: “Bình thường, cứ 2 ngày/lần, đơn vị vệ sinh cho xe chuyển đi. Song, từ đầu tháng 3-2019, họ để tồn đọng rác nhiều ngày; ùn ứ lên tới hàng tấn...”. Tương tự, việc thu gom rác thải trên địa bàn huyện Thường Tín cũng chưa thực hiện thường xuyên. Ông Phạm Xuân Thịnh, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Công ty môi trường chỉ thu gom 2-3 lần/tuần. Do tần suất thu gom thấp nên người dân thường bỏ rác ở ngõ, rất mất vệ sinh.
Từ thực tế trên cho thấy, tình trạng rác thải sinh hoạt tồn đọng nhiều ngày, nhất là ở khu vực giáp ranh giữa các xã, giữa các huyện là vấn đề nhức nhối xảy ra ở không ít địa phương thời gian qua. Nói rõ hơn về thực trạng này, ông Đỗ Văn Bằng, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh) cho rằng: "Khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm theo hợp đồng huyện ký với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đông Anh có chiều dài 97km, nhưng thực tế kiểm tra đã tăng lên đến 701km". Thời gian qua, đơn vị môi trường duy trì tần suất thu gom hằng ngày (7 ngày/tuần) tại thị trấn Đông Anh, xã Kim Chung và một số điểm du lịch trên địa bàn; các xã còn lại thu gom với tần suất 2-3 ngày/tuần.
Tuy nhiên, mới đây, đơn vị chỉ nhận duy trì vệ sinh môi trường tại 4 xã, tương đương với khối lượng hợp đồng đã ký; 19 xã còn lại, đơn vị bàn giao lại cho huyện, dẫn đến tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt.
Tương tự, tại huyện Thanh Oai, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng ban Quản lý dự án huyện cho biết, trên địa bàn phát sinh khoảng 90 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, nhưng định mức thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác là 85 tấn.
Về những bất cập nêu trên, Sở Xây dựng Hà Nội nhìn nhận, hiện ở khu vực nông thôn, việc xác định khối lượng công việc chưa chính xác, “vênh” giữa thực tế và gói thầu được duyệt đang là nguyên nhân dẫn đến tần suất duy trì vệ sinh môi trường thấp, xảy ra ùn ứ rác thải như tại nhiều thôn trên địa bàn huyện Đông Anh vừa qua.
Trong khi đó, tại khu vực nội thành các đơn vị trúng thầu vệ sinh môi trường được đánh giá có năng lực, kinh nghiệm hơn; khối lượng gói thầu gần sát thực tế và việc áp dụng cơ giới hóa khá hiệu quả nên chất lượng vệ sinh môi trường được nâng cao.
Tính đúng, đủ khối lượng, kinh phí
Trước yêu cầu của lãnh đạo thành phố về việc đấu thầu vệ sinh môi trường theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm 100% rác thải trên địa bàn phải được thu gom, vận chuyển trong ngày, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, từ kết quả đạt được trong đợt tăng cường phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên, đơn vị đã đề xuất UBND các quận về tần suất các công việc, cơ chế phối hợp, giám sát, tuyên truyền nhân dân cùng chung tay duy trì chất lượng vệ sinh môi trường sạch 24/24 giờ. Đồng thời, công ty tổ chức lại sản xuất theo hướng cơ giới hóa, nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động...
Rác thải sinh hoạt ứ đọng tại huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền |
Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc bảo đảm thu gom rác trong ngày ở khu vực ngoại thành. Từ thực tế mức thu phí dịch vụ vệ sinhkhu vực nông thôn là 3.000 đồng/người/tháng, thấp hơn khu vực đô thị một nửa, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường đô thị huyện Gia Lâm Huỳnh Thị Thu Hiền kiến nghị: Với đặc thù về địa hình, hạ tầng, các cấp, ngành chức năng cần xem xét, điều chỉnh mức thu ở khu vực ngoại thành tương đương với nội thành cho phù hợp với tình hình thực tế, hoặc có trợ giá để bảo đảm việc thu gom rác thải được tốt hơn.
Để tăng tần suất thu gom rác lên 7 lần/tuần, huyện Đông Anh cũng như một số huyện khác kiến nghị thành phố Hà Nội tháo gỡ những bất cập bằng cách điều chỉnh khối lượng gói thầu vệ sinh môi trường sát với thực tế; hỗ trợ chọn nhà thầu có đủ năng lực để ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
"Đối với vùng giáp ranh giữa các địa phương thường phát sinh rác thải tồn đọng như thời gian vừa qua, huyện Đông Anh sẽ xác định rõ địa bàn, tăng cường công tác quản lý; yêu cầu các xã chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong giữ gìn môi trường" - ông Đỗ Văn Bằng thông tin.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến quý I-2019 của UBND thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, tìm giải pháp để tăng cường chất lượng công tác vệ sinh môi trường theo đúng quy trình, quy định, sớm bảo đảm 100% rác thải đô thị và nông thôn phải được thu gom, làm sạch. Trong trường hợp cần thiết, phải đề xuất thay thế nhà thầu duy trì vệ sinh môi trường nhưng buông lỏng quản lý, vi phạm hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó là tập trung thanh toán cho các đơn vị làm công tác vệ sinh theo đúng quy định và chỉ đạo của thành phố (tạm ứng 50% chi phí). UBND thành phố cũng đã quyết định chuyển việc thu giá dịch vụ vệ sinh từ các quận, huyện, thị xã sang các doanh nghiệp, để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tạo điều kiện cho các đơn vị này thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo chủ trương của thành phố.
Trước yêu cầu của UBND thành phố, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm việc cùng các quận, huyện, thị xã, yêu cầu lập kế hoạch, phương án thu gom rác, nêu rõ tiến độ thực hiện, khối lượng, kinh phí cần bổ sung.
Trước các bất cập về khối lượng, tần suất, kinh phí thu gom rác ở ngoại thành như hiện nay, liên ngành sẽ khảo sát, đánh giá lại, bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, báo cáo UBND thành phố điều chỉnh. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã, với vai trò là chủ đầu tư, cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân xả rác bừa bãi...
Với sự chủ động của các cấp, ngành, đơn vị đã, đang triển khai, chắc chắn mục tiêu thu gom rác thải trên địa bàn thành phố ngay trong ngày sẽ được bảo đảm, góp phần làm cho Thủ đô ngày càng sạch đẹp, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.