(HNM) - Hương Xuân tràn ngập khắp miền sơn cước Ba Vì, đâu đâu cũng thấy người đi chợ sắm Tết. Các bà, các chị ở bản Mường, bản Dao tung tăng váy áo, rủ nhau đi chợ Chẹ, chợ Ba Trại, chợ Mộc, chợ Cò khiến phiên chợ quê cuối năm ở vùng núi Ba Vì đông vui, nhộn nhịp. Dường như sản vật của các vùng miền đều hội đủ nơi đây. Được một lần đi chợ vùng cao, chắc hẳn ai cũng có cảm xúc riêng.
Khi hầu bao rủng rỉnh
Người Dao ở Ba Vì mang dê ra chợ bán.
Từ sáng sớm, trong màn sương mờ ảo, từng đoàn người già trẻ, gái trai các xã Ba Vì, Khánh Thượng và Minh Quang lũ lượt kéo về chợ Mộc. Chợ Mộc hình thành từ hàng chục năm nay ở thôn Mộc, xã Minh Quang bây giờ như một địa chỉ giao lưu buôn bán, đậm chất văn hóa vùng cao và phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng - không chỉ dành riêng cho các xã của Ba Vì, mà còn là điểm giao lưu hàng hóa nông sản của nhân dân các địa phương tỉnh Phú Thọ. Có điều, không đeo gùi, đi bộ xuống chợ như bà con dân tộc miền Tây Bắc, người Dao Ba Vì đi chợ bằng xe máy, xe đạp để thồ hàng. Cho nên chợ Mộc vào phiên luôn tấp nập người mua và phong phú mặt hàng. Chợ đông như trẩy hội nhưng lại rất trật tự, không có sự chen lấn, xô đẩy. Không có kiốt, ngăn ô bán hàng sầm uất như các chợ vùng xuôi, chợ Tết Ba Vì chỉ có những quầy hàng mái che đơn giản. Hàng hóa được bày bán trên nền đất, người mua thoải mái chọn; ưng thì mua, không thì đi hàng khác, chẳng ai chèo kéo để phải đôi co, để phật lòng nhau. Mỗi người đều chọn mua vài món quà quê, từ miến dong, măng khô… đến cây chổi quét nhà.
Tới chợ Ba Trại giữa lúc mặt trời gần đứng bóng, chúng tôi chứng kiến hoạt động mua sắm ở đây vẫn nhộn nhịp như ngày hội. Đông vui nhất là các quầy bán quần áo. Các bà mế, các cô gái trẻ, cả lũ trẻ con cũng quây kín, chọn, lựa lấy quần, áo ưng ý nhất để diện Tết. Chủ tịch UBND xã Ba Trại Đinh Công Sử cho biết, chợ Ba Trại là chợ phiên họp vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 hằng tuần. Nhưng dịp gần Tết, xuất phát từ nhu cầu mua sắm của nhân dân nên chợ họp tất cả các ngày trong tuần, tuy nhiên vào chính phiên bà con đến chợ mua, bán đông hơn rất nhiều. Khác với các chợ miền xuôi, ngoài bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chợ Ba Trại dành khá nhiều diện tích bán loại hàng chè khô, loại nông sản đặc biệt của địa phương.
Ở chợ Tản Lĩnh, chị Nguyễn Thị Hà, tay lựa cành đào, miệng vui vẻ kể: “Trước đây ư, muốn tìm mua một cây quất đẹp phải lên tận chợ huyện (Quảng Oai) hoặc xuôi thị xã Sơn Tây. Nay khác rồi, chợ quê nhưng thứ gì cũng có, nhỏ nhất như gói tăm, đến những đồ trị giá hàng triệu đồng, đủ cả”. Chị Thanh, chủ quầy hàng bán quần áo cho biết thêm, những ngày áp Tết, khách đi mua sắm đông lắm, nên hàng hóa bán khá nhanh.
Nhà nhà đều có Tết
Đó là khẳng định của ông Bạch Công Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì. Tết Canh Dần năm nay, Ba Vì đã dành nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các hộ thuộc diện nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tàn tật, bà con các dân tộc thiểu số đón Tết. Địa phương cũng đã tiếp nhận tất cả các nguồn hỗ trợ của Trung ương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm kịp thời chuyển tới tận tay người nghèo đón Tết. Theo ông Tiến, năm nay nhân dân các dân tộc thiểu số ở 7 xã vùng cao huyện Ba Vì rất vui, bởi đời sống của người dân được nâng cao nhờ phát triển nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp. Số hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tộc, giảm nhiều so với những năm trước. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh làm giàu cho chính gia đình mình và cho xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn trên 16% (giảm 3,2% so với năm 2008). Cuộc sống mới khấm khá đang hiện hữu rõ nét ở nông thôn miền núi Ba Vì trong sắc xuân mới Canh Dần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.