Văn nghệ

Chờ những show diễn đậm "chất" Hà Nội

Hà Hiền 10/02/2024 - 10:28

Các show diễn thực cảnh tổ chức tại Việt Nam những năm gần đây mang đến “khẩu vị” nghệ thuật mới cho công chúng. Từ những thành công bước đầu, người yêu nghệ thuật kỳ vọng trên địa bàn Thủ đô sẽ có show diễn thực cảnh đậm “chất” Hà Nội.

dien1.jpg
Màn “Nhạc họa” trong show “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Từ những show hội tụ sắc màu văn hóa

Show thực cảnh đầu tiên ở Việt Nam là “Tinh hoa Bắc Bộ”, trình diễn trên sân khấu lớn có diện tích 4.300m2, dưới chân núi Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) do hàng trăm người nông dân xã Sài Sơn làm nghệ sĩ. Sau nhiều lần phục vụ công chúng (thường diễn ra vào tối thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ năm 2017), đến nay “Tinh hoa Bắc Bộ” vẫn giữ được độ “hot”. Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, chân thực, show diễn dẫn dắt khán giả bước vào vùng văn hóa Bắc Bộ.

Mở đầu là màn “Thi ca”, lấy cảm hứng từ thi ca, dân ca, làn điệu ru con Bắc Bộ. Tiếp đến là màn “Cõi Phật” gắn với tích truyền về thiền sư Từ Đạo Hạnh, người sáng lập chùa Thầy. Ông cũng là người dạy người dân cách trồng trọt, chơi trò chơi dân gian, sáng tạo nghệ thuật múa rối nước...

Màn “Hoài cổ” với hình ảnh các sĩ tử thời xưa đi thi, khắc họa truyền thống hiếu học của dân tộc. Còn màn “Nhạc họa” đưa khán giả lạc vào tiên cảnh khi thấy các cô gái như bước ra từ tranh “Tố nữ” biểu diễn nhạc cụ truyền thống (sáo, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt), thấy những “tiên nữ” múa uyển chuyển trên mặt nước. Màn “An vui” giúp khán giả hiểu rõ hơn về tín ngưỡng hầu đồng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phân cảnh cuối cùng mang tên “Ngày hội”, tái hiện ngày hội quê hương thông qua các làn điệu đối đáp dân ca quan họ, trò chơi dân gian, rước kiệu cùng lời nhắn nhủ “người ơi người ở đừng về”.

Trước đó, người dân Thủ đô mãn nhãn, thỏa lòng khi xem các tiết mục nghệ thuật trình diễn tại sân khấu thực cảnh trên sông Hồng trong chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” diễn ra tháng 11-2023 tại phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm). Đêm diễn là bản hòa ca của các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, xòe Thái Yên Bái, dân ca quan họ, dân ca Mường...

Tương tự Hà Nội, một số địa phương có vùng văn hóa đặc trưng, giàu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch di sản cũng có những show diễn thực cảnh làm nức lòng khán giả. Chẳng hạn, show “Ký ức Hội An” là sản phẩm du lịch hấp dẫn bậc nhất của điểm đến Hội An (tỉnh Quảng Nam); show “Tinh hoa Việt Nam”, “Sắc màu Venice” mang đến những trải nghiệm mới cho du khách khi tới đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Đặc biệt, lần đầu tiên Ban tổ chức Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ 2 (diễn ra từ ngày 26 đến 31-12-2023) đưa vở diễn thực cảnh vào phục vụ công chúng tại đêm khai mạc. Nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu thực cảnh chủ yếu là những người lái đò trong khu danh thắng Tràng An...

Nhờ hội tụ những sắc màu văn hóa vừa đa dạng, mới mẻ, vừa chân thực, hiện đại, lại đậm đà nét truyền thống, bước đầu, các show diễn thực cảnh được đông đảo công chúng đón nhận. Điều này góp phần tạo nên thương hiệu du lịch, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

dien2.jpg
dien3.jpg
Diễn viên quần chúng nhập vai trong “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Nghĩ về “chất” Hà Nội

Hẳn ai cũng vui khi những show diễn thực cảnh có “đất sống”, trở thành “đại sứ” du lịch, “đại sứ” văn hóa cho các điểm đến, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, khi lắng lại và suy nghĩ, hẳn có những người sẽ thấy, Hà Nội chưa có show diễn mang bản sắc riêng. Và đó là sự lãng phí nguồn “tài nguyên”.

Bởi vì, Hà Nội là vùng đất nhân tài, hào kiệt bốn phương hội tụ, chắc chắn không thiếu những đạo diễn tài năng, giàu ý tưởng. Hơn nữa, Hà Nội có nhiều không gian biểu diễn sân khấu thực cảnh, chẳng hạn như suối Yến ở khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức), hồ Tây (quận Tây Hồ) hay các điểm di sản dọc bên bờ sông Hồng. Như Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà nói: “Sân khấu thực cảnh trên sông Hồng trong chương trình “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa” năm 2023 mới là nét chấm phá. Dọc sông Hồng còn nhiều không gian văn hóa đang chờ được đánh thức”.

Hà Nội còn là vùng đất khoa bảng, có nhiều danh nhân lưu danh sử sách, nhiều nhân vật gắn với các huyền tích, cũng là nơi có kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú nhất cả nước. Cùng với đó là những người dân tài hoa. Đặc biệt hơn, Hà Nội là địa chỉ du lịch hấp dẫn, nên cần thường xuyên bổ sung những sản phẩm mới mang dấu ấn của điểm đến. Từ góc nhìn đa chiều, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng: “Hiện không thiếu các yếu tố để có một show diễn thực cảnh riêng, mang đậm bản sắc văn hóa, con người đất Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Vấn đề là ai đứng ra làm và làm như thế nào”.

Theo ông Trương Minh Tiến, nếu có show diễn thực cảnh về Hà Nội thì chương trình nên tập trung khái quát quá trình dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) của Vua Lý Công Uẩn, giúp khán giả hiểu rõ hơn về lịch sử hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; “tả thực” truyền thống hiếu học qua hình ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám; về tinh thần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa trong nước, quốc tế từ xưa cho đến nay. “Chất liệu” liên kết các màn biểu diễn có thể là hát xẩm, chèo tàu (Đan Phượng), hát Dô (Quốc Oai), múa rối nước...

Dưới góc độ tổ chức, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội Đỗ Việt Anh, quản lý show thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” cho biết: “Chúng tôi đã nhìn ra những yếu tố hiện hình, hiện hữu để làm show diễn thực cảnh mang bản sắc Hà Nội. Hiện show “Tinh hoa Bắc Bộ” đã phục vụ công chúng nhiều năm, đến lúc cần đổi mới, nên chúng tôi cùng đạo diễn đang lên ý tưởng đưa nhiều nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội vào chương trình biểu diễn thực cảnh trong thời gian sớm nhất”.

Hy vọng không lâu nữa, Hà Nội sẽ có những show diễn thực cảnh đậm bản sắc, hoành tráng, hấp dẫn - trở thành điểm nhấn, tạo sức bật cho công nghiệp văn hóa Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ những show diễn đậm "chất" Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.