(HNM) - Ngay trong những ngày Tết, nông dân Hà Nội đã hối hả xuống đồng sản xuất vụ xuân để bảo đảm đúng lịch thời vụ, hướng tới mùa màng bội thu.
Với những người dân "chân lấm, tay bùn", cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất thời vụ, điều đó thật dễ hiểu, nhất là trong những năm qua, thời tiết diễn biến khó lường, bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nếu không tranh thủ tận dụng nguồn nước các hồ thủy điện xả phục vụ sản xuất, không gieo cấy đúng thời vụ, sẽ chẳng thể nói trước điều gì.
Sự nỗ lực ngay từ những ngày đầu xuân, năm mới của người nông dân không chỉ giúp họ có cuộc sống ấm no, dư dả, mà còn có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Ngành Nông nghiệp nói riêng, thành phố nói chung. Năm 2016, Ngành Nông nghiệp Thủ đô đối mặt với nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của các cấp, ngành thành phố, sự nỗ lực của các địa phương, nông dân, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng 2,2%, cao hơn bình quân của cả nước. Đặc biệt, nhiều địa phương đã ứng dụng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 239 triệu đồng/ha/năm - mức cao nhất từ trước tới nay.
Để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 3,5-4%/năm như Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra, bước sang năm 2017, các quận, huyện, thị xã và mỗi người nông dân cần tuân thủ nghiêm quy trình, kế hoạch sản xuất của thành phố đã ban hành; phấn đấu hoàn thành gieo cấy hơn 99.600ha lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất. Trước hết, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, khí hậu để xây dựng phương án chống hạn hiệu quả nhất. Quản lý tốt nguồn nước, điều tiết nguồn nước hợp lý để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích lúa xuân, cây màu của thành phố.
Đối với những diện tích không bảo đảm đủ nguồn nước sản xuất, cần có phương án chuyển đổi sang cây trồng cạn và ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, lịch xả nước của các hồ chứa thủy điện để nhân dân biết và chủ động phòng tránh, lấy nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Ngành Nông nghiệp căn cứ vào điều kiện sinh thái và tập quán canh tác của từng vùng miền, chọn lọc những bộ giống lúa đã được công nhận, khảo nghiệm thành công đưa vào gieo cấy. Có như vậy, mới hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cần phối hợp với Ngành Nông nghiệp thực hiện các biện pháp chăm sóc, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới đến các hộ nông dân. Đặc biệt, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến; ưu tiên mở rộng vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng hàng hóa, gắn với liên kết "4 nhà" giúp sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định và bền vững.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nông sản trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững cho năng suất, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cao cũng chính là vấn đề quan trọng cốt lõi nhằm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020".
Mùa xuân mới đã về. Khí xuân lan tỏa khắp xứ đồng. Để có mùa màng bội thu, phát huy kết quả đạt được, bên cạnh đức cần cù, chăm chỉ, cần cả tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất của các cấp, các ngành và mỗi nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.