Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chợ lá dong giữa Sài thành

Ngọc Ánh| 03/02/2013 06:41

(HNM) - Chợ lá dong Ông Tạ, tên dân gian vẫn gọi để chỉ khu vực ngã ba này, đã bắt đầu

Chợ lá dong bắt đầu họp từ ngày 20 tháng Chạp để phục vụ cho nhu cầu gói bánh chưng ngày tết.


Không biết chính xác chợ lá dong Ông Tạ đã xuất hiện từ lúc nào, nhưng theo một số lời kể thì rất có thể chợ hình thành khoảng sau năm 1954, thời gian nhiều người miền Bắc di cư vào miền Nam định cư tại khu vực này.

Hầu hết các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh đều có một vài sạp bán lá dong để gói bánh tết nhưng nhiều người vẫn thích đến chợ Ông Tạ để lựa những tấm lá ưng ý nhất. Năm nay tháng thiếu, không có ngày 30 nên chợ họp sớm. Từ 19 tháng Chạp lác đác đã có chủ vựa tập kết hàng bán cho khách mua sớm. Đến chiều 21 tháng Chạp không khí tết tại đây càng thêm nhộn nhịp, xôn xao khi các nhà vườn tập kết hàng về. Khách mua lẻ chưa nhiều, chủ yếu vẫn là người mua sỉ về bán lẻ tại các chợ hoặc người gói bánh chưng bán. Vậy nên, lá dong được các nhà vườn chặt để thân dài và buộc kỹ thành những bó lớn, phủ bao gai để bảo quản. So với mọi năm, lá dong năm nay không đẹp bằng, nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi. Lá dong được phân làm ba loại: loại 1 (còn gọi là lá đại), loại 2 (lá nhất) và loại 3 (lá nhỏ). Giá mua sỉ tại vườn năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 200.000 đồng/1.000 lá. Do vậy, giá bán lẻ cũng tăng khoảng 20% so với năm ngoái, lá đại bán 65.000 đồng/bó (50 lá), lá nhất 40.000 - 45.000 đồng/bó, lá nhỏ 30.000 đồng/bó. Lạt buộc lá dong cũng tăng, giá bán lẻ khoảng 12.000 đồng/100 sợi. Tương tự, giá lá chuối năm nay đang ở mức 15.000 đồng/kg nhưng lá to bản, lành lặn hơn năm trước.

Theo nhiều chủ vựa, trước đây, nguồn lá dong chủ yếu từ xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) bởi người mua chuộng vì gói bánh xanh, dẻo, không bị nứt. Nhưng nay khu vực này không còn đất nông nghiệp nên lá dong chủ yếu được trồng từ huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Chị Đoàn Thị Bồng, quê ở Bình Phước cho biết vừa khăn gói mang lá xuống TP từ sáng 21 tháng Chạp, đến chiều vẫn chưa bán được mấy vì còn quá sớm. "Thường thì phải từ 25, 26 tháng Chạp người mua mới đông nhưng năm nào cũng phải xuống tầm này để giữ chỗ" - chị cho hay. Chị đã bán lá dong tại đây hơn 10 năm. Có năm lãi, có năm lỗ. Năm ngoái không chỉ ế mà còn sụt mất đến 3kg vì ăn ngủ lăn lóc vỉa hè nhưng năm nay vẫn tiếp tục "vì đến tết là thấy nôn nao, vì quen chân mất rồi..", chị cười hiền. Bà Ánh, chủ một vựa lá dong lớn cho biết ngày thường bán cà phê ở quận 12 nhưng đã theo gia đình bán lá dong vụ tết được trên 40 năm. Cứ đến mùa là bà lại mang theo chăn, chiếu ngủ nghỉ tại chỗ để bán hàng 24/24h. Mệt nhưng mà vui là tâm lý chung của những người bán hàng nơi đây.

Không chỉ người bán, người mua đến chợ lá dong cũng chung tâm trạng. Còn có nhiều người, đi chợ lá dong vì nhớ không khí ngày tết xa quê. Chị Bình, người Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh sinh sống hơn 10 năm nay cho biết, không phải năm nào cũng về quê được nên ra chợ Ông Tạ mua lá dong về gói bánh chưng. Người miền Nam vốn có thói quen mua bánh gói sẵn, nhưng nhà chị vẫn giữ "nếp" tự gói bánh chưng. Những ngày giáp tết, đêm TP se se lạnh, cả nhà quây quần cùng nhau gói bánh chưng, cùng canh bếp lửa bập bùng chờ bánh chưng chín, thấy quê hương đang lại gần hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ lá dong giữa Sài thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.