Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cho hôm nay và mai sau

Tuấn Lương| 17/01/2011 07:40

(HNM) - Hàng loạt công trình quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại được xây dựng trong thời gian qua đang góp phần tạo dựng tầm vóc và vị thế mới cho Thủ đô.


Những công trình tạo dấu ấn


Hầm đường bộ Kim Liên. Ảnh: Đàm Duy


Hà Nội đang đổi thay rất nhanh với hàng loạt công trình giao thông đồng bộ, hiện đại. Điển hình là cầu Vĩnh Tuy, được giới giao thông đánh giá là công trình của những kỷ lục, được xây dựng dựa trên nội lực Việt Nam, từ khâu quản lý, thiết kế cho đến xây dựng và giám sát. Kể từ khi thông xe dự án đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 34.000 lượt xe qua lại, góp phần giảm tải đáng kể cho cầu Chương Dương và cho giao thông Thủ đô. Còn nhớ, trong ngày cắt băng khánh thành cây cầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có một bài phát biểu xúc động, trong đó nhấn mạnh, cây cầu này thể hiện sức mạnh của Thủ đô và đất nước trên con đường đổi mới. Những người thợ cầu đường Việt Nam đã đủ sức mạnh làm chủ khoa học, công nghệ để xây dựng những công trình giao thông bề thế, hiện đại, qua đó tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

Hà Nội còn có hầm đường Kim Liên, được coi là hầm chui lớn và hiện đại; Đại lộ Thăng Long nối thông trung tâm Hà Nội với vùng xứ Đoài rộng lớn, được đánh giá là hiện đại và đồng bộ nhất nước: rộng 140m, gồm 4 luồng đường, phần đường cao tốc có 2 dải riêng biệt theo 2 chiều đi - về, mặt cắt ngang nền đường 16,25m/mỗi dải; phần đường gom 2 bên, mỗi bên gồm 1 dải cây xanh, đường xe chạy, vỉa hè rộng 17m.

Cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3 cũng là điểm nhấn trong bức tranh giao thông Thủ đô. Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư dự án đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì) nhấn mạnh: Sự hình thành tuyến Vành đai 3 và cầu Thanh Trì có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Thủ đô, góp phần hạn chế phương tiện đi vào khu vực trung tâm TP. Việc triển khai các dự án một cách đồng bộ đã mở ra hướng đầu tư, khai thác hiệu quả quỹ đất dọc hai bên đường.

Dự án Công viên Hòa Bình do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư với các hạng mục công trình văn hóa, tượng đài hoàn chỉnh, đồng bộ về cảnh quan môi trường và hạ tầng. Dự án xây dựng trên khu đất rộng hơn 19,87ha, trong đó, tượng đài Hòa Bình bằng đồng, cao 7,2m, đặt trên đế cao 22,8m là hạt nhân của công viên, mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Hướng tới tương lai

Hà Nội còn bộn bề với rất nhiều dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm. Tương lai không xa, Hà Nội sẽ có xe điện trên cao, xe điện ngầm, đường hai tầng, sân bay tầm cỡ quốc tế… Từ sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản và các nguồn lực khác, một số dự án trọng điểm đang được tích cực triển khai, tạo sức bật mới cho giao thông đô thị Hà Nội như nhà ga hành khách T2 - sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân (còn được gọi là cầu Hữu nghị Việt - Nhật), đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài…

Cuối năm 2010, TP Hà Nội đã khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - Hoàng Mai). Tổng mức đầu tư của dự án là 783 triệu euro, tương đương 18.408 tỷ đồng, là nguồn vốn vay của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng châu Á, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và vốn đối ứng trong nước. Tuyến có điểm đầu tại Nhổn (huyện Từ Liêm), đi qua Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với đường Vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám đến điểm cuối là ga Hà Nội. Chiều dài tuyến khoảng 12,5km, trong đó đoạn từ Nhổn đến Thủ Lệ dài 8,5km đi trên cao, đoạn từ Thủ Lệ đến ga Hà Nội dài 4km đi ngầm. Trên tuyến có 12 nhà ga, trong đó có 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. Đây là tuyến đường sắt đô thị hiện đại, năng lực vận chuyển lớn, khi hoàn thành có khả năng vận chuyển hơn 300 nghìn lượt hành khách/ngày, góp phần cải thiện năng lực vận tải hành khách công cộng, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông phía Tây thành phố.

Hà Nội sẽ triển khai thêm 4 tuyến đường sắt đô thị nằm trong Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Thủ đô sẽ phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH bền vững, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cho hôm nay và mai sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.