Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ được vạ thì má đã sưng?

Đà Đông| 24/09/2011 02:45

(HNM) - Phán quyết của TAND huyện Từ Liêm buộc Công ty cổ phần Canvico Điện lực & Tài nguyên nộp số tiền trên 2,8 tỷ đồng kéo dài 40 tháng nợ đọng do chưa đóng các loại bảo hiểm cho 132 lao động;


Đây không phải là lần đầu tiên có doanh nghiệp (DN) bị khởi kiện ra tòa vì nợ đọng BHXH. Trước đó, ngay tại Hà Nội đã có 9 DN bị khởi kiện ra tòa và các cơ quan bảo hiểm đã thu hồi về gần 4 tỷ đồng tiền nợ đọng. Tuy nhiên, hành trình để đi đến các phiên tòa này không hề đơn giản. Đơn cử như để có phiên tòa ngày 16-9 vừa qua, TAND huyện Từ Liêm đã phải tổ chức 3 buổi hòa giải giữa BHXH huyện Từ Liêm với 2 đơn vị nói trên, tuy nhiên không phải lúc nào phía bị đơn cũng đến dự. Rồi trước đó, việc lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ để đưa các DN ra tòa cũng gặp không ít nhiêu khê. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ sử dụng lao động lách luật, thường cố tình tránh đoàn kiểm tra, để cấp dưới làm việc với đoàn và ký vào biên bản. Do cấp phó không đủ thẩm quyền và tư cách pháp nhân nên chữ ký và biên bản không được Viện KSND chấp nhận.

Bên cạnh những rắc rối trong thủ tục pháp lý, để xảy ra tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài tại các DN, nhiều ý kiến còn cho rằng do chế tài xử phạt vi phạm Luật BHXH hiện nay chưa thực sự đủ sức răn đe. Tại Nghị định 86/2010 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH, mức phạt đối với chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho NLĐ thuộc loại tham gia bảo hiểm bắt buộc, BHYT có mức thấp nhất là 1 triệu đồng, cao nhất 30 triệu đồng. Hành vi sử dụng quỹ BHXH bắt buộc sai mục đích thì mức phạt cao nhất DN cũng chỉ đến 10 triệu đồng. Với mức lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay, nhiều người vẫn nói đùa rằng dùng số tiền chiếm dụng BHXH hàng tỷ đồng đem đi gửi ngân hàng thì DN vẫn có lãi kể cả khi bị nộp phạt?

Còn theo ý kiến của các chuyên gia pháp luật, trong trường hợp này chính NLĐ cũng chưa thật sự hiểu luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Với các cơ quan BHXH, DN chỉ là một pháp nhân "nợ" tiền BHXH nên chỉ có thể khởi kiện dân sự để thu hồi. Nhưng với NLĐ lại khác. Nếu ban giám đốc, người đại diện trước pháp luật và kế toán trưởng giữ lại số tiền trích từ lương của NLĐ mà không nộp cho BHXH là một hành vi trái pháp luật và có thể khép vào tội "chiếm giữ tài sản trái phép" theo Bộ luật Hình sự. Như vậy, NLĐ chính là bị hại, bị xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp và các cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Theo thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến quý II-2011, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT của các đơn vị lên tới 542,6 tỷ đồng, chiếm 5,2% số thu của năm; trong đó riêng nợ từ 12 tháng trở lên chiếm 245,3 tỷ đồng. BHXH là một sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập. Việc các DN có đăng ký đóng BHXH nhưng lại nợ đọng triền miên từ năm này qua năm khác đã khiến NLĐ bị mất trắng quyền lợi khi ốm đau, thai sản, khi về hưu… Đã có những trường hợp, sau bao nhiêu nỗ lực mới đưa được DN ra tòa, khi tòa tuyên DN phải trả ngay số tiền nợ đọng thì đơn vị cũng chẳng còn tài sản gì để thi hành án. Rõ ràng, nợ đọng BHXH đang là một thực trạng buồn. Xin đừng để NLĐ "Chờ được vạ thì má đã sưng"!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chờ được vạ thì má đã sưng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.