Đây đó quanh Hà Nội vẫn tồn tại những phiên chợ đồ cổ dành cho những người có xu hướng hồi cố. Ngày Tết chợ đồ cổ hầu như không còn phiên, những dãy hàng bán đồ cổ được lập men theo những chợ hoa xuân tạo nên nét riêng của một Hà thành hoài cổ...
Chợ đồ cổ ngày Tết thường được lập cạnh chợ hoa xuân. Theo anh Nguyễn Quang Hùng, người bán đồ cổ gần chợ hoa Ngã Tư Sở, những năm gần đây ngoài việc tìm những chậu hoa phù hợp với cây đào, cây mai... người mua thường có sở thích trưng một vài vật dụng cổ gần những loại cây này để tạo gợi nhớ không khí Tết của Hà Nội ngày xưa...
Gọi là chợ đồ cổ nhưng thực ra ngoài những đồ có niên đại được tính bằng thế kỷ, rất nhiều loại vật dụng của những năm 1980, 1990 cũng được trưng bày và thu hút nhiều người tìm kiếm lại những vật dụng gắn với hình ảnh của gia đình mình một thời...
Nếu để ý tìm trong những vật dụng cũ, nhiều người sẽ tìm lại được những kỷ niệm gắn liền với hình ảnh những người cao tuổi trong gia đình. Những chiếc đèn dầu, bộ ấm chén cổ gắn với hình ảnh cụ bà tần tảo hay những chiếc điếu bát gợi nhớ về các cụ ông là những lời nhắc nhở thấm thía nhất về lịch sử gia đình trong dòng chảy cuộc sống hiện đại...
Có nhiều người đến chợ đồ cổ cũng không hẳn xác định trước tìm mua vật dụng cụ thể nào. Đôi khi chỉ là thói quen đi tìm một điều gì đã mất, khi vô tình tìm thấy những thứ vật dụng cũ gắn với kỷ niệm của họ một thời giống như tìm lại được người bạn cũ vào những ngày cuối năm. Cảm giác đó khiến người ta cảm thấy ấm áp và được chia sẻ hơn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.