Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ điều chỉnh quy hoạch chung

Thanh Hải| 01/06/2016 07:59

(HNM) - Xử lý nghiêm các điểm trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) không đúng quy định; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật... là một chủ trương đúng.


Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực này đều mong muốn được hoạt động hợp pháp, chính quyền địa phương muốn quản lý hiệu quả, tránh thất thu thuế cho Nhà nước. Thế nhưng đến nay khâu cấp phép hoạt động vẫn vướng mắc vì phải chờ điều chỉnh Quy hoạch chung sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố.

Mới giải quyết phần ngọn

Theo ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, giải tỏa triệt để những vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, trên địa bàn 4 phường Thượng Cát, Liên Mạc, Thụy Phương và Đông Ngạc là không đơn giản. DN, hộ gia đình, cá nhân hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD đã hơn chục năm nay; có DN tồn tại gần 20 năm, trước khi có quy hoạch, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhưng thực hiện chỉ đạo của thành phố, DN, cá nhân đều tự tháo dỡ, chấp hành quy định của pháp luật; chỉ một số ít, quận phải cưỡng chế công trình vi phạm, di dời VLXD khỏi địa điểm chưa được cấp phép.

"Giải tỏa mới giải quyết phần ngọn. Cần có một quy hoạch cụ thể để DN, cá nhân hoạt động hợp pháp, đúng quy định, nộp thuế đầy đủ, để chính quyền cũng dễ quản lý, còn DN không phải đau xót nhìn máy móc, thiết bị chuyên dụng nằm phơi mưa, nắng" - Ông Vinh chia sẻ. Vì vậy, từ tháng 1-2016, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có văn bản kiến nghị bổ sung quy hoạch bãi chứa, trung chuyển VLXD trên địa bàn, bảo đảm nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân và đáp ứng nhu cầu về VLXD phục vụ quá trình đô thị hóa. Tháng 2-2016, UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội xem xét những kiến nghị này, tham mưu, đề xuất giải quyết, báo cáo thành phố.

Theo Sở TN&MT, trên địa bàn thành phố hiện có 15 quận, huyện, thị xã đang có hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD ven Sông Hồng, Sông Đà, Sông Đuống, Sông Công, sông Cà Lồ với tổng số 224 bãi chứa. Trong số đó, có 45 bãi chứa có cơ sở pháp lý về đất đai (được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất), còn lại 179 bãi chứa ven sông đang hoạt động trái phép.


Tương tự, tại huyện Đan Phượng, từ tháng 3-2016, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 6 đơn vị, 4 cá nhân lập bãi chứa, trung chuyển VLXD dọc tuyến Sông Hồng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, ngoài việc lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định, huyện đã giao cho Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với Hạt Quản lý đê, UBND các xã, căn cứ quy hoạch, đề xuất vị trí phù hợp để huyện trình UBND thành phố chấp thuận về chủ trương, cho phép các đơn vị có nhu cầu được hoàn thiện các thủ tục về đất đai, ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước.


Không phức tạp như Bắc Từ Liêm, sau khi giải tỏa bãi chứa VLXD vi phạm, huyện Phúc Thọ đã giao cho Phòng TN&MT hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Theo ông Đặng Văn Nghĩa, Trưởng phòng TN&MT huyện Phúc Thọ, trước đây, trên địa bàn huyện có 4 bãi chứa, trung chuyển VLXD, tại xã Vân Phúc, Phương Độ, Cẩm Đình và Sen Chiểu. Các bãi này do các HTX nông nghiệp tổ chức, đến năm 1994 chuyển giao cho UBND các xã quản lý và ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân thuê đất làm bãi trung chuyển. Sau khi có chỉ đạo của thành phố, UBND các xã đã chấm dứt hợp đồng với các tổ chức, cá nhân này. Cuối năm 2014, huyện lập quy hoạch chi tiết. Sau khi được các sở, ngành chấp thuận, tháng 12-2015 huyện đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng các điểm trung chuyển VLXD. Như vậy, vừa bảo đảm nhu cầu chính đáng của DN, chính quyền địa phương quản lý tốt hơn.

Chờ đến bao giờ?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Cao Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết: Quy hoạch sử dụng cát sỏi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bố trí 91 bãi chứa, trung chuyển VLXD, với diện tích khoảng 338,5ha. Thời gian qua, Sở TN&MT đã yêu cầu các quận, huyện rà soát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nếu cần. Đến nay, Sở đã kiểm tra xong tại quận Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây, các huyện Phúc Thọ và Đan Phượng; thời gian tới, sẽ kiểm tra tại huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm và quận Long Biên.

Ông Hiếu nói: "Qua kiểm tra và đề xuất của các quận, huyện, chúng tôi sẽ xem xét kiến nghị điều chỉnh quy hoạch chung. Quy hoạch này phải tính theo nhu cầu chung về VLXD trên toàn thành phố, sức chứa, hiện trạng đất đai, hạ tầng, rồi mới cân đối, chứ không chỉ dựa vào đề xuất của địa phương hay DN". Tuy nhiên, về tiến độ xây dựng quy hoạch điều chỉnh, thời gian thực hiện, ông Hiếu thông báo: "Chưa thể xác định được".

Như vậy có nghĩa, các địa phương, DN vẫn phải chờ. Đã bước vào mùa mưa bão, việc quyết liệt xử lý, giải tỏa các vi phạm hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ là điều cần làm ngay. Song song với đó, cần sớm xác định quy hoạch, bản đồ vị trí giao đất làm bãi chứa, trung chuyển VLXD để người dân, DN có thể ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy, nếu không sớm giải quyết thì rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn vi phạm - giải tỏa rồi tái phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ điều chỉnh quy hoạch chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.