(HNM) - Bệnh dị ứng không chỉ xuất hiện khi thời tiết chuyển lạnh, mà có thể xảy ra với nhiều người khi giao mùa....
Khi thời tiết thay đổi, mẩn ngứa dị ứng là hiện tượng một số người gặp phải. |
Triệu chứng dị ứng có thể xuất hiện tức thì trong vài giây đến vài phút sau khi chúng ta tiếp xúc với các dị nguyên, nhưng cũng có thể sau ít ngày hoặc vài tuần. Các dị nguyên xâm nhập cơ thể bằng nhiều cách khác nhau như qua đường thở, ăn uống, qua da, niêm mạc... Biểu hiện và mức độ các triệu chứng dị ứng ở mỗi người tùy thuộc vào mức độ mẫn cảm của cơ thể, khả năng miễn dịch và cách tiếp xúc của dị nguyên gây bệnh. Bệnh dị ứng thường gặp khi giao mùa là mề đay, viêm kết mạc, viêm mũi,...
Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), nhiều người nghĩ dị ứng sẽ tự hết nên ít quan tâm đến phòng ngừa và khám chuyên khoa ngay từ khi nhiễm bệnh. Bởi nếu bị dị ứng nặng như sốc phản vệ thì việc điều trị rất khó khăn, tốn kém, có thể để lại hậu quả lâu dài. Trong thực tế, khi biểu hiện dị ứng xảy ra nhanh và có chiều hướng nặng lên thì cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với trẻ em, khi nghi ngờ bị dị ứng, gia đình không cho trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và nên đưa đến ngay cơ sở y tế.
Các thầy thuốc ở Bệnh viện Da liễu trung ương khuyến cáo: Khi thời tiết giao mùa, những người dễ bị dị ứng với phấn hoa nên gội đầu thường xuyên để làm sạch phấn hoa bám trên tóc, đồng thời hạn chế đến các vườn hoa là nơi dễ phát tán nhiều bụi phấn, bào tử. Ngoài ra, để đề phòng dị ứng, cần chú ý chế độ ăn, ngủ, tập luyện thích hợp; tăng cường bổ sung các nguồn protein như trứng gà, tôm, các loại cá, thịt bò, vitamin và khoáng chất từ rau quả, vận động ngoài trời hợp lý... nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.