(HNMCT) - Mùa xuân, với đặc điểm mưa phùn ẩm ướt, độ ẩm cao, phấn hoa lan tràn trong không khí..., cơ thể dễ bị dị ứng. Do đó, hằng năm, giao mùa đông - xuân là thời điểm các bệnh viện ghi nhận nhiều ca dị ứng thời tiết nhất.
Những biểu hiện của dị ứng thời tiết
Rối loạn hệ miễn dịch là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết với các triệu chứng sau: Da ửng đỏ kèm theo ngứa dai dẳng, có dấu hiệu mề đay trên da, nổi những mụn nước nhỏ li ti (thường xuất hiện ở chân, tay, sau đó có thể lan sang các bộ phận khác)...
Tùy thuộc vào sức đề kháng và mức độ dị ứng của người bệnh, mỗi đợt da ửng đỏ sẽ có thời gian bùng phát nhất định. Ngoài dấu hiệu mẩn ngứa, ở nhiều người đồng thời xuất hiện dấu hiệu phù, mảng mề đay dày cộm, có màu trắng hoặc hồng.
Viêm mũi dị ứng là triệu chứng dễ gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết. Bệnh nhân sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, buồn ngủ ngày, mệt mỏi, kém tập trung... Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu ở vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng 20 - 30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.
Các triệu chứng dị ứng thời tiết đáng lo ngại hơn như khò khè, khó thở thường tái diễn nhiều lần mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc chuyển mùa. Người bệnh cần đi khám sàng lọc để phát hiện sớm bệnh hen phế quản, qua đó kiểm soát bệnh ổn định nhằm tránh chuyển nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Cách phòng tránh bệnh dị ứng thời tiết
TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh, Trưởng đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, cho biết: Không thể ngăn chặn tuyệt đối nguy cơ bị dị ứng thời tiết vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Đối với người bị dị ứng thời tiết thì chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi. Các chuyên gia khuyến khích phòng ngừa dị ứng đi kèm các biện pháp điều trị cắt cơn dị ứng ở mỗi đợt bùng phát.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa dị ứng thời tiết bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, năng tập luyện và duy trì lối sống sạch sẽ, khoa học. Cụ thể, về chế độ ăn uống, cần tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách nạp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng như tăng cường protein từ trứng, tôm, các loại cá, thịt bò, thịt lợn...; bổ sung các vitamin và khoáng chất từ rau quả như rau cải xanh, súp lơ, rau dền, rau ngót...; nên uống các loại nước trái cây như táo, lê, đào, cam, bưởi và luôn đảm bảo uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước/người/ngày. Ngoài ra, nên bổ sung acid folic có trong bánh mỳ và đậu có chứa acid folic - đó là 2 nguồn dinh dưỡng quan trọng có thể giúp cơ thể chống dị ứng; nên tránh một số gia vị như mù tạt, ớt cay có thể gây kích thích niêm mạc mũi...
Về chế độ sinh hoạt, cần xây dựng thời gian biểu làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng của cơ thể. Người dễ bị dị ứng thời tiết nên hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, tuyệt đối không hút thuốc lá và tránh đồ uống có cồn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người có tiền sử dị ứng thời tiết có thể giảm thiểu tần suất mắc bệnh nhờ tập luyện thể thao thường xuyên. Tùy vào thể trạng và sở thích, chúng ta có thể lựa chọn cho mình một môn thể thao yêu thích như đi bộ, đạp xe, chạy, bơi lội... Các hoạt động này giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, tăng sức đề kháng và khả năng thích ứng với sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Bên cạnh đó, những người có tiền sử dị ứng thời tiết cần đặc biệt lưu ý giữ ấm cơ thể trong khoảng thời gian giao mùa. Một số biện pháp giữ ấm cơ thể, giúp thân nhiệt ổn định là dùng khăn quàng cổ (mỏng hoặc dày tùy thời tiết), ngâm chân bằng nước ấm hằng ngày, tránh để mũi, mặt và chân tiếp xúc trực tiếp với gió liên tục. Nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để tìm ra giải pháp chữa trị phù hợp và hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.