(HNM) - Thời tiết chuyển lạnh, có mưa nhỏ, nhiệt độ ban đêm giảm so với ban ngày từ 5 đến 7 độ như những ngày vừa qua đã khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viêm họng cấp ở trẻ thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa. Đây chính là tình trạng viêm niêm mạc họng xảy ra đột ngột bởi vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng) và do một số yếu tố liên quan khác. Điều nguy hiểm là nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến phức tạp, nặng hơn và có thể gây biến chứng thành viêm tai, viêm mũi, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng... Nếu bệnh viêm họng là do vi khuẩn nhóm A gây ra, còn có thể dẫn đến thấp tim hoặc viêm cầu thận cấp. Vì vậy, không thể coi thường bệnh viêm họng cấp ở trẻ trong những ngày giao mùa.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, triệu chứng ban đầu của bệnh viêm họng cấp thường là đột ngột sốt cao từ 39 đến 40 độ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp (trẻ còi xương, suy dinh dưỡng) có thể sốt không cao, thậm chí không sốt. Các triệu chứng ớn lạnh kèm theo nhức đầu, nuốt đau, mỏi người, ăn, ngủ kém cũng thường xuyên xuất hiện. Một số trường hợp còn có thể nổi hạch ở cổ, sưng và đau… Khi có các triệu chứng trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến khám tại các chuyên khoa tai mũi họng, và tuân thủ tuyệt đối sự chỉ dẫn của bác sĩ. Cần bù nước và chất điện giải do sốt cao gây ra.
Với những trẻ đang bị viêm họng cấp, Tiến sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) lưu ý, bố mẹ nên chia nhỏ bữa ăn của trẻ, ưu tiên các thức ăn lỏng và các loại nước trái cây. Cần cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối nhạt…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.