(HNM) - Bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp cũng như các biện pháp tăng cường an ninh được Chính phủ ban bố, cuộc bầu cử sớm diễn ra ngày 26-1 ở Thái Lan đã không được như mong đợi khi hỗn loạn xảy ra khắp nơi do những người biểu tình gây ra.
Có tới 45 trên tổng số 50 điểm bỏ phiếu ở thủ đô Bangkok phải đóng cửa khi hòm phiếu không thể chuyển đến được vì người biểu tình cản trở. Cho dù chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck ngày 27-1 đề ra thời hạn chót 3 ngày để những người biểu tình rút khỏi các trụ sở chính quyền mà họ đang chiếm đóng, cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 tới được dự báo là phép thử lớn về an ninh. Thực tế là lực lượng đối lập chưa từ bỏ ý định ngăn cản các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ.
Người biểu tình xuống đường ở Bangkok nhằm cản trở cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2. |
Trái với những tuyên bố từng được thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đưa ra trước đó rằng sẽ không phá hỏng cuộc bỏ phiếu mà chỉ kêu gọi lựa chọn tiến hành cải cách trước bầu cử, ngày bầu cử sớm đầu tiên tại Bangkok đã chìm trong bất ổn khi một thủ lĩnh biểu tình thiệt mạng. Cho đến chiều 27-1, việc Thái Lan có hoãn cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 hay không vẫn chưa ngã ngũ khi một số nguồn tin cho rằng, chính phủ chỉ lùi thời điểm bầu cử nếu phe đối lập chấm dứt các hoạt động biểu tình đường phố, không tẩy chay hoặc tìm cách ngăn trở cuộc bầu cử được tổ chức lại.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa sự kiện được xem là giải pháp thỏa hiệp của chính phủ đương nhiệm sẽ diễn ra. Thế nhưng, thực tế cho thấy, cuộc tranh giành quyền lực ở đất nước Chùa Vàng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình càng trở nên rối ren hơn khi các quan chức điều hành Trung tâm gìn giữ hòa bình đưa ra những bằng chứng cáo buộc Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan và phong trào biểu tình chống chính phủ phải chịu trách nhiệm về việc bầu cử sớm không thể tổ chức ở Bangkok và một số tỉnh, thành khác. Theo trung tâm này, có nhiều bằng chứng cho thấy các khu vực bỏ phiếu đã bị tuyên bố đóng cửa ngay khi người biểu tình xuất hiện. Điều này chứng tỏ các quan chức bầu cử không muốn thực hiện nhiệm vụ, thậm chí có cả khả năng họ hợp tác với phong trào biểu tình để cản trở cuộc tổng tuyển cử. Một điều đáng ngạc nhiên là Ủy ban Bầu cử quốc gia đã không đề nghị lực lượng cảnh sát hay quân đội hỗ trợ, dù họ có quyền thực hiện điều này.
Mặc dù đang bị truy nã theo lệnh của tòa án, nhưng thủ lĩnh biểu tình Suthep vẫn kích động những người biểu tình tham gia chiến dịch "chiếm đóng Bangkok". Câu hỏi được dư luận quan tâm là vì sao đến nay ông Suthep vẫn chưa bị bắt giữ? Không ít chuyên gia phân tích quan ngại nguy cơ đụng độ giữa lực lượng biểu tình chống chính phủ với cảnh sát cũng như với phe ủng hộ chính phủ sẽ ngày càng gia tăng, nếu cơ quan thực thi Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp triển khai chiến dịch bắt giữ ông Suthep những ngày tới. Điều này có thể dẫn đến việc quân đội buộc phải lên tiếng, dập tắt bạo lực, bình ổn an ninh. Trong trường hợp này, phe "áo đỏ" ủng hộ chính phủ sẽ kịch liệt phản đối sự can thiệp của quân đội khi xem đây là động thái ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Tuy nhiên, giới quân sự vốn có ảnh hưởng vô cùng lớn tại Thái Lan lại được xem là lực lượng có khả năng nắm giữ chiếc chìa khóa giúp ổn định tình hình. Một số chuyên gia phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan chỉ có thể chấm dứt theo hai chiều hướng. Một là phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng theo Hiến pháp của Thủ tướng tạm quyền Yingluck thành công khi được quân đội hậu thuẫn. Điều đó có nghĩa là lệnh bắt giam những người lãnh đạo biểu tình được thực hiện và cuộc bầu cử ngày 2-2 diễn ra tốt đẹp. Hai là "đề án" thất bại khi không nhận được sự ủng hộ của giới quân sự. Nếu chiều hướng này xảy ra, quân đội Thái Lan lại một lần nữa phải can thiệp để ổn định tình hình.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu sớm tại miền Bắc, Đông Bắc, miền Trung của Thái Lan đã diễn ra suôn sẻ mà không gặp trở ngại nào. Theo kết quả cuộc điều tra của Đại học Bangkok công bố mới đây cho thấy, có tới 80% trong khoảng hơn 1.000 người được hỏi sẽ đi bầu cử vào ngày 2-2 tới. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul cũng lên tiếng khẳng định chính phủ sẽ không hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới khi mà 90% công tác bầu cử sớm đã được thực hiện. Thế nhưng điều đó không có nghĩa cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ diễn ra thuận lợi. Ngược lại, đây sẽ là thách thức lớn với Chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck.
Đề nghị bắt giữ 16 thủ lĩnh biểu tình Ngày 27-1, Cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan đã đề nghị Tòa hình sự nước này phát lệnh bắt 16 thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ do bị cáo buộc vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Theo DSI, ông Suthep Thaugsuban, Tổng Thư ký Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) chống chính phủ, đứng đầu trong danh sách đề nghị bị bắt giữ này. Ngày 27-1, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết sẽ đề xuất hoãn cuộc tổng tuyển cử 6 tháng trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Cuộc gặp này hiện đã được cả hai bên thống nhất diễn ra vào chiều 28-1, tuy nhiên, địa điểm tổ chức vẫn chưa được tiết lộ. Theo Ủy ban Bầu cử tiến trình bầu cử cần được khởi động lại để mở đường cho các ứng cử viên chưa thể đăng ký được đi đăng ký tranh cử. Cuộc bầu cử sớm vừa qua có thể được tuyên bố là thất bại. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.