Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Thái Lan: Chưa tìm ra lối thoát

Đình Hiệp| 23/03/2014 06:01

(HNM) - Tòa án Hiến pháp nước này vừa tuyên bố không công nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử gây nhiều tranh cãi vào ngày 2-2 vừa qua.

Phán quyết hủy kết quả bầu cử của Tòa án Hiến pháp đặt cử tri Thái Lan trước một cuộc bầu cử mới.


Được kỳ vọng sẽ góp phần hóa giải những bất ổn sâu sắc trong lòng dân tộc sau một thời gian dài chìm trong làn sóng biểu tình, thế nhưng cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 do đảng Vì nước Thái cầm quyền tiến hành đã không diễn ra như mong đợi. Theo Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC), chỉ có khoảng 20,1 triệu cử tri (tương đương 46,79% số cử tri trên cả nước) tham gia bỏ phiếu tại 68 tỉnh, thành phố. Trong khi đó có tới 28 điểm bỏ phiếu tại 8 tỉnh không có ứng cử viên đăng ký do bị người biểu tình cản trở. Đảng Dân chủ (DP) đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử khi cho rằng bầu cử không giúp chấm dứt được tình trạng căng thẳng chính trị kéo dài ở Thái Lan. Trước đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban luôn đòi phải tiến hành cải cách trước khi tổ chức bầu cử và rằng người biểu tình sẽ tìm cách để cuộc bầu cử không có hiệu lực...

Mặc dù chính phủ tạm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức bầu cử lại ở một số địa phương nhưng Tòa án Hiến pháp sau đó lại không công nhận kết quả này. Quyết định hủy kết quả bầu cử của Tòa án Hiến pháp đưa ra 48 giờ qua với lập luận, cuộc bầu cử (ngày 2-2) đã không diễn ra trong cùng một ngày trên cả nước, và điều này vi phạm quy định của Hiến pháp. Không những thế, tòa án này còn xem xét đơn kiện của phe đối lập tố cáo cuộc bầu cử đã tiêu tốn khoảng 3 tỷ bạt mà không thu hút nổi 50% số người dân đi bầu.

Không chấp nhận phán quyết của Tòa án Hiến pháp, đảng Vì nước Thái cầm quyền trong một tuyên bố mới nhất khẳng định sẽ khởi kiện DP đối lập cũng như thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và EC vì đã làm cho cuộc bầu cử bị mất hiệu lực, gây thiệt hại cho đất nước. Không dừng lại ở đó, đại diện đảng cầm quyền cũng sẽ yêu cầu các ứng cử viên Quốc hội trên toàn quốc đòi bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do phán quyết của tòa. Bởi lẽ phán quyết trên của Tòa án đang đặt ra nhiều tranh cãi như ai sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản chi phí tổ chức bầu cử 3 tỷ bạt hay tại sao quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân lại không được tôn trọng hoặc liệu những người cản trở bầu cử có phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của cuộc bầu cử vừa qua hay không?

Chính trường Thái Lan luôn chứa đựng những yếu tố bất ngờ và khó đoán định. Dư luận khu vực đã tỏ ra lạc quan về đất nước Chùa vàng sau khi Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt tại thủ đô Bangkok hơn một tháng qua cũng như các tỉnh lận cận, do các cuộc biểu tình chống chính phủ lắng dịu. Thế nhưng, quyết định của Tòa án Hiến pháp ngay lập tức đã đặt "dấu chấm hết" cho nỗ lực của đảng Vì nước Thái cầm quyền thời gian qua. Với phán quyết này, đảng cầm quyền và DP đối lập sẽ trở lại điểm xuất phát để đi đến một cuộc bầu cử mới. Nhưng, để đạt được thỏa thuận này không đơn giản. Bởi điều kiện mà DP đối lập cũng như lực lượng biểu tình đưa ra để đàm phán là nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức, để một nhân vật trung gian lên điều hành chính phủ và tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, đảng Vì nước Thái không chấp nhận giải pháp của phe đối lập khi khẳng định sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử mới và đặt câu hỏi rằng: DP đối lập cũng như những người biểu tình chống chính phủ có thực sự mong muốn chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay hay không. Và, người dân Thái Lan lại một lần nữa lo ngại cuộc bầu cử mới có thể sẽ lại bất thành nếu các hành động cản trở bầu cử như cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 vừa qua không chấm dứt.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Thái Lan: Chưa tìm ra lối thoát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.