(HNM) - Không còn hình ảnh những dòng người biểu tình kéo về các giao lộ chính ở thủ đô Bangkok để gây sức ép với Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, căng thẳng trên chính trường đất nước Chùa Vàng đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Những thay đổi mang tính bước ngoặt diễn ra cách đây chưa đầy 48 giờ sau khi thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban bất ngờ tuyên bố chấm dứt chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" từ ngày 3-3.
Bình yên đang dần trở lại với các tuyến đường ở thủ đô Bangkok. |
Sau tuyên bố của thủ lĩnh Suthep, chỉ còn một số người bám trụ ở khu vực tòa nhà Chính phủ, còn phần lớn người biểu tình đã tập trung về khu vực công viên Lumpini ở thủ đô Bangkok. Câu hỏi được dư luận Thái Lan và khu vực quan tâm hiện nay là, vì sao thủ lĩnh biểu tình Suthep lại đưa ra quyết định "mã hồi" khi cuộc đối đầu quyền lực với Chính phủ tạm quyền vẫn chưa ngã ngũ? Một số chuyên gia phân tích cho rằng, không ít người đã quá mệt mỏi với chiến dịch biểu tình kéo dài nhiều tháng qua. Trên thực tế, cuộc "chiếm đóng Bangkok" của người biểu tình không chỉ làm tê liệt hệ thống giao thông tại thủ đô Thái Lan, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây… Và điều đáng nói, họ đã không thể đạt mục đích cuối cùng là lật đổ Chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck. Rõ ràng sự thất vọng của người biểu tình đã khiến uy tín của thủ lĩnh Suthep sụt giảm nghiêm trọng. Cùng với đó, nguy cơ một cuộc nội chiến có thể xảy ra nếu các bên liên quan không ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Đây được xem là những lý do khiến thủ lĩnh biểu tình Suthep phải đi nước cờ trên.
Bình yên đang dần trở lại với người dân Bangkok, hy vọng về một tương lai ổn định ở đất nước hơn 65 triệu dân tiếp tục nhen lên khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) thông báo đã có hơn 120.000 người đăng ký bỏ phiếu bổ sung ngày 2-3 vừa qua tại 101 địa điểm thuộc 5 tỉnh. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra trong bầu không khí êm ả, chỉ có vài chục người biểu tình phản đối chính phủ ở một địa điểm bỏ phiếu tại tỉnh Rayong. Việc tổ chức bỏ phiếu bổ sung thành công là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với Chính phủ tạm quyền khi cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 đã có hơn 10.000 điểm bỏ phiếu tại 67 đơn vị bầu cử của 18 tỉnh, thành phố không thể mở cửa do sự cản trở của thiểu số người biểu tình cực đoan hoặc thiếu phiếu bầu và nhân viên hỗ trợ. Dù kết quả cuối cùng chỉ được EC thông báo sau khi cuộc bầu cử bổ sung kết thúc tại tất cả các điểm bỏ phiếu trước thời hạn chót trong tháng Tư tới, nhưng đây vẫn được xem là điểm lợi bước đầu với Chính phủ tạm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck trong nỗ lực sớm đưa tình hình đất nước ổn định trở lại.
Với tuyên bố "trả lại đường phố" cho người dân Bangkok để tránh ách tắc giao thông, thủ lĩnh Suthep có một lý do không thể hay hơn để xuống thang. Thế nhưng, thật không dễ để một chính trị gia từng ngồi ghế phó thủ tướng như ông Suthep từ bỏ tham vọng hạ bệ quyền lực của Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Thừa nhận chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" hơn một tháng qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh cũng như đời sống của người dân tại các khu vực xảy ra biểu tình, ông Suthep khẳng định, kể từ nay trở đi các cuộc biểu tình sẽ chỉ tập trung chia sẻ quan điểm về cải cách đất nước. Tuy nhiên, vị thủ lĩnh đang bị Tòa án hình sự Thái Lan truy nã này vẫn đe dọa sẽ "tăng cường đóng cửa các bộ và các doanh nghiệp của dòng họ Shinawatra" để lật đổ Chính phủ tạm quyền.
Cuộc "chiếm đóng Bangkok" đang dần chấm dứt. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là thách thức với Chính phủ tạm quyền đã hết. Ngược lại, tương lai về một đất nước Thái Lan ổn định sau tổng tuyển cử vẫn hết sức mong manh, đặc biệt trong bối cảnh Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) cáo buộc Thủ tướng đương quyền Yingluck thiếu trách nhiệm, làm sai nguyên tắc trong một số vụ việc liên quan đến tham nhũng trong chính sách thu mua gạo năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.