(HNM) - Cuộc đấu đá quyền lực trên chính trường Romania đã bước vào giai đoạn cao trào khi Tòa án Hiến pháp nước này vừa thông qua đề xuất của Quốc hội tiến hành luận tội Tổng thống Traian Basescu.
Như vậy, với quyết định của Tòa án Hiến pháp, từ nay đến cuối tháng 7, ông T.Basescu sẽ không được thực thi quyền tổng thống và số phận ngôi vị đứng đầu đất nước sẽ được định đoạt trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức vào ngày 29-7 tới. Động thái này được xem là đỉnh điểm của chuỗi những công kích mà bộ máy nội các mới nhằm vào ông T.Basescu, kể từ khi tân Thủ tướng Victor Ponta lên nắm quyền hồi tháng 5 năm nay.
Khủng hoảng chính trị tại
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống T.Basescu - một cựu thuyền trưởng, nhà vận động chống tham nhũng và chính khách có cá tính - đứng trước nguy cơ bị phế truất. Năm 2007, ông từng đối mặt với một cuộc thăm dò dư luận để quyết định vận mệnh chính trị và may mắn thoát nạn khi có tới 74% cử tri bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, "cửa ải" lần này khó qua hơn nhiều khi uy tín của nhà lãnh đạo 61 tuổi liên tục trượt dốc theo chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm đổi lấy khoản vay trị giá 20 tỷ euro (26 tỷ USD) từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2009.
Ngoài ra, trong cuộc cạnh tranh nảy lửa giữa các phe phái trên chính trường Romania hiện nay, Tổng thống Traian Basescu và chính đảng của ông - đảng Dân chủ Tự do (PDL) - đang ở thế suy yếu trầm trọng so với Liên minh Xã hội Tự do (SLU) cầm quyền của Thủ tướng V.Ponta sau hàng loạt vụ việc được cho là "dàn dựng" của cả hai bên nhằm hạ bệ uy tín của nhau.
Trên thực tế, "cuộc chiến" giữa các phe phái trên chính trường Romania bắt đầu lộ rõ kể từ khi Quốc hội thông qua Luật bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương do SLU đề xuất vào cuối tháng 5 vừa qua - một thay đổi quan trọng có thể giúp chính phủ cánh tả của Thủ tướng V.Ponta giành được đa số ghế tại Quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử, dự kiến được tổ chức vào tháng 11 tới. Ngay sau đó, mâu thuẫn giữa hai bên thêm căng thẳng khi trung tuần tháng 6 vừa qua, báo chí nước ngoài loan tin Thủ tướng V.Ponta đạo văn. Theo đó, luận án tiến sĩ về Luật Quốc tế của Thủ tướng đương nhiệm có tới hơn một nửa là sao chép không ghi nguồn. Nhưng, khi Hội đồng Quốc gia thẩm định về các chức danh đại học và văn bằng của Romania xác nhận nghi án đạo văn này và đề xuất tước bằng tiến sĩ của Thủ tướng thì Bộ trưởng Giáo dục Romania lại tuyên bố tái cơ cấu thành phần Hội đồng thẩm định và tước quyền điều tra các vụ đạo văn của hội đồng trên. Trái với hứa hẹn trước đó, Thủ tướng V.Ponta đã không từ chức và cho đây là "đòn" chính trị do Tổng thống T.Basescu dàn dựng. Ngoài ra, phe "chính phủ" còn cho rằng, việc cựu Thủ tướng Adrian Nastase - được coi là người đỡ đầu của tân Thủ tướng V.Ponta - bị án tù giam 3 năm về tội tham nhũng cũng là "kịch bản" do Tổng thống T.Basescu và đảng của ông dựng lên. Những cáo buộc khác với Tổng thống T.Basescu cũng được đưa ra như: Tiếm quyền, khiêu khích làm gia tăng căng thẳng xã hội, đe dọa giới truyền thông và vi phạm sự độc lập của cơ quan tư pháp.
Và, SLU đã tung ra "cú phản công" chí mạng vào tuần trước bằng cách tận dụng thế đa số tại Quốc hội, bãi nhiệm cùng lúc cả Chủ tịch Hạ viện Roberta Anastase và Chủ tịch Thượng viện Vasile Blaga - hai nhân vật thân cận của Tổng thống T.Basescu; đồng thời thay thế Chánh Thanh tra nhà nước - người có vai trò quan trọng trong Tòa án Hiến pháp. Trước thế thượng phong của "đối thủ", khả năng Tổng thống T.Basescu phải ra đi là rất lớn cho dù cáo buộc "lạm dụng quyền lực" một cách vi hiến, tiếm quyền của Thủ tướng là rất khó diễn giải một cách rõ ràng trên góc độ luật pháp.
Theo các nhà quan sát, hành động của SLU sẽ khiến tình hình Romania trở nên tồi tệ. Hậu quả của mâu thuẫn nội bộ là không phải bàn cãi khi mà bế tắc chính trị đã làm tê liệt hoạt động của cả Chính phủ lẫn Quốc hội trước các quyết định quan trọng; đồng thời cản trở các bước đi mà Romania đã cam kết với cộng đồng khu vực và quốc tế để thoát khỏi cơn khốn khó về tài chính đang bủa vây đất nước Đông Âu này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.