(HNM) - Mong mỏi của người dân Kyrgyzstan về một tương lai hòa bình và ổn định sau một thời gian dài bất ổn một lần nữa đứng trước thách thức mới vì những mâu thuẫn không thể hóa giải giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền.
Nền kinh tế Kyrgyzstan đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ nội các chưa đầy hai năm tuổi này bắt nguồn từ sự bất đồng giữa đảng Tổ quốc và Phẩm giá với Thủ tướng O.Babanov. Hai chính đảng này khẳng định họ rút khỏi liên minh cầm quyền là do người đứng đầu nội các không hoàn thành chức trách lãnh đạo chính phủ, lạm dụng chức quyền và tham nhũng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đỉnh điểm của những mâu thuẫn vừa bùng nổ, dẫn tới nguy cơ khủng hoảng chính trị ở nước này là do Thủ tướng O.Babanov vừa cách chức một bộ trưởng thuộc đảng Phẩm giá mà không giải thích nguyên nhân.
Cuộc đổ vỡ khiến dư luận Kyrgyzstan và khu vực đặc biệt quan tâm là liên minh cầm quyền tan vỡ trong bối cảnh quốc gia Trung Á này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Những bất ổn kéo dài sau cuộc đảo chính năm 2009 cùng tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nền kinh tế nhỏ bé tại Trung Á liên tục lao dốc với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6,4% trong nửa đầu năm 2012, nợ công đã lên tới 2,8 tỷ USD và thâm hụt ngân sách vượt mức 440 triệu USD...
Hiến pháp Kyrgyzstan quy định, liên minh cầm quyền sụp đổ sẽ buộc Chính phủ và Thủ tướng phải từ chức. Trong 9 ngày nữa, tổng thống phải trao cho một trong những đảng phái có chân trong Quốc hội quyền thành lập liên minh mới. Nhưng, mọi chuyện xem ra không hề đơn giản nếu nhìn lại cuộc bầu cử Quốc hội gần đây nhất tại nước này. Là một đất nước nhỏ bé với dân số chỉ khoảng 5,4 triệu người, nhưng Kyrgyzstan có hàng chục cộng đồng sắc tộc khác nhau. Mỗi cộng đồng sắc tộc ở đây thường có một chính đảng riêng, không đồng thuận về đường lối, mục tiêu phát triển. Do đó, việc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền luôn hết sức khó khăn và phức tạp.
Trong khi đó, bất ổn về kinh tế và chính trị kéo dài có nguy cơ đẩy đất nước diện tích gần 200.000km2 này đứng trước một cuộc khủng hoảng xã hội như một môi trường "lý tưởng" để khoét sâu thêm những mâu thuẫn sắc tộc - chủ nghĩa dân tộc cực đoan - đặc biệt tại khu vực phía Nam, nơi từ lâu là "thùng thuốc súng" vì những tranh chấp giữa cộng đồng người Kyrgyz và người Uzbek.
Những lo ngại trên không phải không có cơ sở, vì trong thời gian qua, Chính phủ Kyrgyzstan chưa chứng tỏ được năng lực điều hành đất nước. Việc phải cầu tới sự trợ giúp về an ninh và nhân đạo từ Nga, nhiều tổ chức khu vực và quốc tế trong thời gian qua khiến Kyrgyzstan hội tụ quá nhiều yếu tố để có thể trở thành "Kosovo" thứ hai.
Bên cạnh đó, do giữ vị trí địa - chiến lược quan trọng ngay cửa ngõ Á - Âu, Kyrgyzstan đã trở thành mảnh đất được nhiều nước lớn "nhòm ngó". Giờ đây, Mỹ không chỉ xác định Manas là yếu tố sống còn với cuộc chiến tại Afghanistan mà còn muốn căn cứ này trở thành "mắt xích" quan trọng bên sườn Nga và chuyển hướng chiến lược an ninh toàn cầu sang Châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, Nga cũng không dễ dàng để mất một không gian truyền thống với những yếu tố quan trọng của một "lá chắn" tự nhiên cho lãnh thổ Nga. Do vậy, Điện Kremlin cũng đã có những bước đi chiến lược nhằm giảm thiểu nhức nhối do "cái gai" Manas của Mỹ mang lại tại một địa chỉ xung yếu trong vành đai an ninh của Nga. Trong khi đó, Trung Quốc cũng rất cần sự phối hợp của Kyrgyzstan để ngăn chặn những rối loạn có thể lan sang khu vực Tân Cương...
Rõ ràng, nếu không nhanh chóng giải quyết những rắc rối nội bộ, Kyrgyzstan sẽ trở thành mục tiêu đáng kể cho những toan tính chiến lược ở khu vực của các cường quốc. Và nếu vậy, một cuộc khủng hoảng tại Trung Á mang tên Kyrgyzstan sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.