(HNM) - Cục diện bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Israel có khả năng được hóa giải khi lãnh đạo đảng Yesh Atid đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh. Dự kiến, quốc hội nước này sẽ bỏ phiếu thông qua quyết định trên vào ngày 13-6 tới. Tuy nhiên, chính trường đất nước Do Thái vẫn tiềm ẩn nhiều sóng gió vì phe ủng hộ Thủ tướng Benjamin Netanyahu chưa từ bỏ nỗ lực nhằm xoay chuyển tình thế.
Sau thất bại trong việc tập hợp lực lượng để thành lập chính phủ của Thủ tướng Israel B.Netanyahu - lãnh đạo đảng Likud giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 23-3, người đứng đầu đảng Yesh Atid là ông Yair Lapid được Tổng thống Rivlin giao nhiệm vụ đứng ra đàm phán thành lập chính phủ. Chưa đầy 1 tháng, ông Yair Lapid đã đàm phán thành công với 8 đảng phái vừa và nhỏ để trở thành liên minh đa số có thể điều hành đất nước theo đúng luật.
“Quân bài” quyết định trong quá trình thương lượng được cho là sự ủng hộ của ông Naftali Bennett, lãnh đạo đảng Yamina. Theo thỏa thuận giữa các bên, ông N.Bennett và ông Y.Lapid sẽ luân phiên làm thủ tướng trong chính phủ mới. Nhà lãnh đạo 2 đảng Yesh Atid và Yamina cam kết sẽ tôn trọng phe đối lập vì sự thống nhất và kết nối mọi thành phần trong xã hội Israel.
Nếu phương án thành lập chính phủ được Quốc hội thông qua vào ngày 13-6 tới, đây sẽ là bước ngoặt lớn trên chính trường Israel trong nhiều năm qua khi lần đầu tiên trong lịch sử, liên minh cầm quyền có sự tham gia của đảng người Arab. Thời kỳ đứng đầu nội các kéo dài 12 năm của Thủ tướng B.Netanyahu cũng sẽ kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc ông sẽ phải đứng trước nguy cơ lớn hơn từ các phiên tòa cùng những cáo buộc nhận hối lộ, tham nhũng, lạm quyền...
Theo các nhà phân tích, chính vì lý do này, Thủ tướng B.Netanyahu sẽ tìm mọi cách để bảo vệ vị trí của mình, nhất là việc vận động các nghị sĩ thân tín trong Quốc hội phủ quyết phương án thành lập chính phủ do lãnh đạo đảng Yesh Atid đề xuất. Minh chứng là trước đó, ngày 6-6, Thủ tướng B.Netanyahu cáo buộc liên minh chính phủ mới được thành lập nhằm thay thế vị trí của ông là kết quả của “gian lận bầu cử nghiêm trọng nhất trong lịch sử”.
Thủ tướng B.Netanyahu khẳng định sẽ phản đối việc thành lập chính phủ liên minh. Dù đang vướng phải các vụ kiện tụng, song là một nhà lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm cạnh tranh trên chính trường, đảng Likud cũng giành được nhiều sự ủng hộ của các cử tri, nên ông B.Netanyahu vẫn có ảnh hưởng ở một mức độ nhất định. Vì thế, có nhận định cho rằng khả năng nhà lãnh đạo 71 tuổi này xoay chuyển được tình thế là rất cao.
Bên cạnh đó, việc chính phủ liên minh được thành lập bởi 8 đảng phái cũng khiến không ít cử tri nghi ngờ về tính bền vững. Nhiều nhà chính trị cho rằng, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các chính sách liên quan tới Palestine và khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây. Lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế... cũng có thể trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các đảng trong liên minh cầm quyền.
Ngoài ra, việc phân chia quyền lực và cân bằng lợi ích trong chính phủ mới cũng sẽ là một bài toán không đơn giản. Nếu các bất đồng không được giải quyết, chỉ một chính đảng rút khỏi liên minh cầm quyền, Israel lại phải đứng trước một cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 5 trong vòng hơn 2 năm qua.
Hiện tại, người dân Israel đang hy vọng có một chính phủ đoàn kết bền vững để điều hành đất nước vượt qua đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chính sách xã hội Taub, nền kinh tế nước này có thể bị tụt hậu khoảng 6 năm. Nếu một cuộc bầu cử nữa diễn ra sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ phục hồi kinh tế và khiến niềm tin của người dân vào chính phủ tiếp tục bị xói mòn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.