Thế giới

Chính trường Bulgaria: Nguy cơ khủng hoảng kéo dài

Quỳnh Dương 01/04/2024 - 08:27

Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ thế bế tắc trên chính trường, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã mời Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán quốc gia Bulgaria (BNAO) Dimitar Glavchev đứng ra khẩn cấp thành lập chính phủ lâm thời trong thời gian từ nay tới ngày 6-4. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, nhiều ý kiến quan ngại về nguy cơ khủng hoảng kéo dài vẫn hiển hiện ở Bulgaria.

tong-thong-bulgaria-rumen-r.jpg
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (bên phải) đã mời Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán quốc gia Bulgaria Dimitar Glavchev làm Thủ tướng lâm thời nước này.

Động thái của Tổng thống Bulgaria khi mời ông Dimitar Glavchev đứng ra thành lập chính phủ lâm thời diễn ra sau khi khối Chúng tôi tiếp tục thay đổi - Liên minh Dân chủ Bulgaria (PP-DB) trong liên minh cầm quyền thông báo kết quả đàm phán thành lập chính phủ mới thất bại. Trước đó, khối Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB-UDF) cũng không thể đạt được sự đồng thuận để thành lập chính phủ mới.

Theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa 2 khối PP-DB và GERB-UDF sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2023, PP-DB đã cử ông Nikolai Denkov giữ chức Thủ tướng trong 9 tháng, sau đó sẽ chuyển giao vị trí này cho bà Mariya Gabriel - đại diện của GERB-UDF. Nội dung thỏa thuận chung cũng yêu cầu 2 khối phải đạt được đồng thuận về mọi thay đổi trong nội các sau chuyển giao. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Nikolai Denkov từ chức vào ngày 5-3 theo đúng kế hoạch, hai khối không thể tìm được tiếng nói chung về thành phần nội các mới. Mâu thuẫn nảy sinh khi GERB-UDF cho rằng cần cải tổ nội các đáng kể trong khi PP-DB muốn giới hạn sự thay đổi chỉ ở 2 vị trí là thủ tướng và phó thủ tướng. Ngày 25-3, bà Mariya Gabriel tuyên bố từ bỏ vị trí ứng cử viên thủ tướng khiến chính trường Bulgaria lún sâu vào khủng hoảng.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã phải 4 lần ban hành quyết định giao nhiệm vụ thành lập chính phủ. Ông nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, khi các đảng phái thất bại trong việc thành lập một chính phủ ổn định và những hạn chế đối với quyền của tổng thống do Hiến pháp quy định. Dù pháp luật Bulgaria không giới hạn thời gian thành lập chính phủ lâm thời, song trong bối cảnh đất nước còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu đang tới gần, do đó, việc sớm định hình nội các sẽ giúp Bulgaria hạn chế các nguy cơ phải đối mặt.

Việc Chủ tịch Văn phòng Kiểm toán quốc gia Bulgaria Dimitar Glavchev sẵn sàng đảm nhận vị trí Thủ tướng lâm thời để thành lập một nội các trong giai đoạn chuyển tiếp không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với lợi ích quốc gia, mà còn mang đến hy vọng cho xứ sở Hoa hồng có thể thoát khỏi những bất ổn do chính trường gây ra.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Rumen Radev, ông Glavchev đã cam kết thành lập một nội các trung lập về mặt chính trị, bao gồm các chuyên gia trong sạch có địa vị và tín nhiệm trong xã hội. Ông bảo đảm rằng, Chính phủ được đề xuất sẽ có khoảng cách tương đương với tất cả các lực lượng chính trị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục sự ổn định và uy tín trong chính quyền Bulgaria.

Việc nhanh chóng thành lập chính phủ lâm thời là một bước đi quan trọng nhằm giải quyết trước mắt cuộc khủng hoảng quản trị ở Bulgaria, tuy nhiên, về dài hạn, những bất ổn trên chính trường nước này vẫn khiến dư luận quan ngại. Trước đó, trước cuộc bầu cử gần nhất vào tháng 4-2023, Bulgaria cũng từng nằm dưới sự điều hành của các chính phủ tạm quyền được Tổng thống Rumen Radev bổ nhiệm khi không thể tìm ra một liên minh dân cử ổn định. Hiện tại, nước này lại đang hướng tới cuộc bầu cử thứ 6 trong thời gian 3 năm.

Điều đáng nói là cuộc bỏ phiếu sắp tới chưa chắc đã mang lại sự ổn định cho quốc gia thành viên nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Lý do là vì không có đảng phái nào giành được tín nhiệm cao đủ để tự đứng ra thành lập chính phủ độc lập. Sau bầu cử, tình trạng trống quyền lực có nguy cơ kéo dài bởi các cuộc đàm phán khó khăn nhằm tìm kiếm liên minh giữa các đảng. Ngay cả khi chính phủ liên minh được thành lập, những bất đồng tiềm ẩn cũng có nguy cơ khiến nội các sụp đổ bất cứ lúc nào.

Dù trong năm 2023, nền kinh tế Bulgaria đã được cải thiện với tốc độ tăng trưởng đạt 2%, song tác động tiêu cực từ giá năng lượng, thị trường nông sản đang đè nặng lên dự báo tăng trưởng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị ở Sofia đang đe dọa tham vọng của Bulgaria trong việc gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và trở thành thành viên khu vực tự do đi lại (Schengen) toàn diện (đường không, đường thủy và đường bộ) vào năm 2025. Không ít người đặt câu hỏi, đến khi nào thế bế tắc trên chính trường Bulgaria mới thực sự kết thúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Bulgaria: Nguy cơ khủng hoảng kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.