(HNM) - Chính trường Áo đang
Thủ tướng Áo Werner Faymann chính thức tuyên bố từ chức ngày 9-5. Ảnh: TTXVN |
Thất bại của SPO được lý giải do áp lực từ cuộc khủng hoảng di cư và các vấn đề xã hội khác đang lan rộng khắp Châu Âu.
Nhìn lại cuộc bầu cử, trong khi ứng cử viên N.Hofer của FPO giành vị trí dẫn đầu với 35,3% phiếu bầu thì hai ứng viên thuộc hai đảng cầm quyền là SPO và đối tác trung hữu là đảng Nhân dân (OVP) thậm chí không giành nổi vị trí thứ 2. Thất bại khiến cả SPO và OVP vuột cơ hội tham gia bầu cử vòng hai, dự kiến vào ngày 22-5. Như vậy, lần đầu tiên từ năm 1945, Áo sẽ có một tổng thống không thuộc hai chính đảng lớn. Cho dù không thắng tuyệt đối nhưng N.Hofer và FPO tiếp tục chứng tỏ xu thế ủng hộ cực hữu - bài ngoại đang thắng thế tại Châu Âu trước hệ lụy của khủng hoảng di cư.
Có thể thấy nước Áo đang phải vật lộn với cơn "địa chấn" di cư. Sau khi thỏa thuận giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện cùng với tuyến đường Balkan bị đóng cửa thì nghiễm nhiên Áo đã trở thành cửa ngõ chính cho người di cư tới Châu Âu. Trước sức ép dồn dập của người di cư, Chính phủ Áo đã phải "chữa cháy" bằng tất cả phương cách, trong đó nổi bật là ban hành Luật siết chặt kiểm soát di cư. Theo đó, cho phép Chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khi dòng người tị nạn vượt tầm kiểm soát và đe dọa đến "an ninh quốc gia". Khi đó, hầu hết trường hợp xin tị nạn ở biên giới đều bị cấm, gồm cả người tị nạn chiến tranh từ Syria và người tị nạn sẽ bị đưa trở lại "một quốc gia láng giềng an toàn". Với các biện pháp mới, Áo hiện được xem là một trong số quốc gia có luật tị nạn hà khắc nhất trong Liên minh gồm 28 quốc gia. Bên cạnh đó, chính quyền Áo cũng đang thúc đẩy xây dựng một hệ thống rào chắn dài ở đèo Brenner, tuyến đường huyết mạch nối giữa Italia với Áo, nhằm giảm bớt dòng người di cư từ Italia tràn sang.
Tuy nhiên, những biện pháp khắc chế khủng hoảng di cư tại Áo dường như đã quá muộn. Trên thực tế đã có gần 90.000 người di cư tràn vào nước này từ năm ngoái. Và nếu tính từ đầu cuộc khủng hoảng di cư tới nay, chia theo bình quân đầu người, thì Áo là quốc gia tiếp nhận người di cư nhiều hơn cả Đức. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến cử tri Áo mất lòng tin vào Chính phủ đương nhiệm. Trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, cuộc khủng hoảng di cư chưa có điểm dừng đã tác động sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội tại Áo. Theo một thăm dò mới đây tại Áo, chỉ có 12% người dân cho rằng đất nước đang đi đúng hướng so với 52% có quan điểm ngược lại. FPO đã tận dụng tâm lý lo sợ nạn di cư - sẽ làm giảm không chỉ việc làm mà còn cả những khoản trợ cấp xã hội - của người dân Áo để giành chiến thắng.
Theo đuổi tư tưởng cực hữu, N.Hofer không chỉ chống nhập cư mà còn chống cả EU sau những chính sách nhập cư gây bất lợi cho Áo. Nhà báo nổi tiếng ở Áo Gerfried Sperl, bình luận: "Vòng bầu cử đầu tiên của ông Hofer cho thấy một tỷ lệ lớn người dân Áo thích kiểu chính trị độc tài đã từng xuất hiện ở Hungary và Ba Lan những năm gần đây: Quốc hội suy yếu, cán cân quyền lực lung lay, phản đối chỉ thị từ Brussels và hạn chế tự do báo chí".
Cuộc "lật đổ" tại Áo thêm một lần cho thấy xu thế trỗi dậy của tư tưởng cực hữu tại một số nước EU như: Đức, Hungary, Ba Lan… Trong bối cảnh những quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn từ nhập cư, di cư đến nguy cơ tấn công khủng bố và nạn thất nghiệp, lạm phát, nợ công do kinh tế tăng trưởng chậm… những gì đang diễn ra ở Áo được dự báo có thể tiếp diễn ở nhiều quốc gia Châu Âu - nơi phe cực hữu đang trỗi dậy mạnh chưa từng có trong vài năm trở lại đây. Do đó, nếu muốn trụ vững, các chính đảng cầm quyền ở các nước không chỉ tại Cựu lục địa phải đoàn kết, tìm ra một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng di cư trước khi cánh hữu vượt lên áp đảo hoàn toàn chính trường Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.