(HNM) - Cầu Giấy là cửa ngõ phía tây Thủ đô, nơi đem đến những ấn tượng đầu tiên về một Hà Nội văn minh, thanh lịch đang cố gắng đẹp dần lên trong mắt bạn bè. Tự hào đấy mà lại lo đấy. Đô thị đang phát triển, nhiều công trình xây dựng lớn có, nhỏ có, lại thêm lối sống văn minh của nhiều người chưa thành nếp, quy hoạch chưa chi tiết đến mọi nơi, thành ra phố phường còn nhiều chuyện phải lo.
Cảnh quan khu vực cầu vượt Mai Dịch đang được cải tạo. Ảnh: Việt Dương |
Đẩy mạnh các hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Cầu Giấy đã triển khai công việc với trách nhiệm, tình cảm và lòng tự hào của người trong cuộc. Từ tháng 12-2009, tất cả các cơ quan, đơn vị, nhà trường và 100% hộ dân đã cam kết giữ gìn cảnh quan sạch đẹp. Những ngày này, Cầu Giấy tập trung chỉnh trang đô thị phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, hướng tới Đại lễ nghìn năm. Trong bộn bề công việc, lãnh đạo quận luôn quán triệt mục đích của đợt ra quân từ cuối tháng 3 đến nay là: chỉnh trang đô thị phải huy động được sức dân, được dân tự giác thực hiện như việc nhà mình. Quận xác định và giao nhiệm vụ cho các phường, nhất là 5 phường có các tuyến đường trọng điểm (Cầu Giấy - Xuân Thủy, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Hoàng Quốc Việt) đi qua, đồng thời có kế hoạch giải quyết những bất cập trong quản lý đô thị. Các cơ quan nhà nước phải là hạt nhân trong công tác chỉnh trang, làm đẹp công sở.
Có một chuyện thế này: Để chào mừng Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 (tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình, Từ Liêm), TP đã đôn đốc Công ty TNHH Khách sạn Hà Nội Plaza (đang xây trên đường Trần Duy Hưng) làm đẹp khu vực này. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo giao cho quận thực hiện. Với tinh thần quyết liệt, lãnh đạo quận đã chỉ đạo ngành chức năng huy động 120 công nhân làm từ 6 giờ chiều ngày 5-4, đến sáng hôm sau cơ bản hoàn thành lát hơn 3.500m2 vỉa hè, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật.
Trên đường Phạm Văn Đồng, gần ngã tư cầu vượt Mai Dịch, 22 hộ dân trong diện giải tỏa mở đường đã thấu hiểu trách nhiệm với Thủ đô trong dịp đón khách quốc tế đến dự Hội nghị ASEAN 16 đã đồng ý cho tháo dỡ công trình, chuyển phế thải xây dựng đi nơi khác, làm đẹp bộ mặt ngõ xóm. Cũng tại khu vực cầu vượt Mai Dịch, Đoàn Thanh niên quận đã huy động đoàn viên dọn dẹp, tạo cảnh quan đẹp ở "chợ đêm sinh viên". Dọc đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, những nơi chưa thể cải tạo triệt để đều được che chắn bằng hàng rào đẹp, dựng panô tuyên truyền.
Dọc theo các tuyến phố chính, nhà văn hóa quận, các phường đã dựng 85 panô (476m2), treo 305 lượt băng rôn, 56 biểu ngữ, hơn 500 cờ đuôi nheo, hàng nghìn lượt cờ màu... toàn bộ các bốt điện thoại, trạm điện, sau khi bóc xóa quảng cáo, rao vặt đều được sơn lại. Hàng trăm bục bệ, cầu dẫn vỉa hè được dỡ bỏ. Các lực lượng liên ngành thường xuyên đi kiểm tra, xử lý vi phạm... Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long - Hà Nội quận phát động cuộc thi làm đẹp 11 tuyến phố (8 phường phụ trách 8 tuyến, quận 3 tuyến), 10 trụ sở (8 phường và quận ủy, UBND quận), 4 chợ sạch đẹp, 8 trụ sở công an phường, tất cả các trường học, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn... Cuộc thi có đánh giá, chấm điểm, mỗi đơn vị đã tự xác định việc phải làm phù hợp để làm đẹp bộ mặt quận, góp phần làm đẹp Thủ đô.
Nhân dân Cầu Giấy còn muốn làm đẹp cảnh quan, chỉnh trang sông Tô Lịch. Dự án cải tạo sông Tô Lịch, trong đó có đường bờ tây, là một phần trong dự án Thoát nước giai đoạn 2 của TP, sử dụng nguồn vốn ODA, phụ thuộc chủ yếu vào việc GPMB. Mặc dù đến nay mặt bằng đã giải quyết xong hơn 90%, song đối tác chưa rót vốn. Mong sao TP tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư để có thể cải tạo, chỉnh trang con đường ven sông cho kịp mừng Đại lễ.
Đại lễ nghìn năm đang đến gần. Với trách nhiệm và tình cảm công dân, người Cầu Giấy đã, đang góp phần vào thắng lợi của ngày kỷ niệm ngàn năm có một bằng những việc làm thiết thực, để cho cửa ngõ phía tây TP ngày một thêm đẹp, thêm sang, văn minh, trật tự, xứng tầm thanh lịch Tràng An.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.