(HNNN) - Trẻ em là chủ nhân tương lai của một quốc gia. Sự thành công của một nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào việc có đặt trẻ em vào vị trí trung tâm của phát triển nguồn nhân lực hay không. Chính vì vậy, từ lâu nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã đưa chính sách phát triển toàn diện trẻ em thành một trong những trọng tâm chiến lược của phát triển bền vững.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra con số ước tính, một trẻ sinh ra ở Singapore sẽ có năng suất lao động đạt 88% ở tuổi trưởng thành nếu được giáo dục đầy đủ và có sức khỏe tốt. Trong khi đó, ở châu Phi (vùng cận sa mạc Sahara), một đứa trẻ sẽ chỉ đạt 40% năng suất. Trên toàn cầu, 57% trẻ em sinh ra hiện nay sẽ chỉ phát huy được một nửa năng suất có thể khi trưởng thành. Số liệu trên cho thấy, một quốc gia muốn theo đuổi chiến lược phát triển bền vững không thể không quan tâm tới chính sách phát triển toàn diện trẻ em.
Đối với những nước phát triển như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản..., thông báo trên của WB không có gì mới mẻ, bởi trẻ em luôn nằm trong chính sách quan tâm đặc biệt của quốc gia từ nhiều năm trước. Một nội dung quan trọng của các chiến lược phát triển con người ở các nền kinh tế phát triển là sự thay đổi dần dần, chuyển từ số lượng sang chất lượng và cải cách giáo dục được ưu tiên lựa chọn, thực hiện. Giai đoạn đầu, khi giáo dục tiểu học là trọng tâm, các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách đưa tất cả trẻ em đến trường, nghĩa là chấp nhận chất lượng đầu vào thấp hơn, quy mô lớp học đông hơn. Khi giai đoạn đầu đi vào ổn định, các quốc gia chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học bằng cách giảm quy mô lớp học và cải thiện nguồn lực, từ sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy đến đội ngũ giáo viên.
Giai đoạn tiếp theo, song song với thúc đẩy giáo dục, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thanh toán các chi phí đối với tất cả trẻ em sinh sống trên đất nước. Như ở Australia, Pháp, Đức, các chi phí được hỗ trợ bao gồm: Chi phí giúp nuôi dưỡng con cái, hỗ trợ nuôi con thứ ba, miễn phí học mầm non... Mới đây, Nhật Bản cũng đã ban hành luật quy định miễn học phí giáo dục mầm non cho trẻ em 3 - 5 tuổi, có hiệu lực từ tháng 10-2019. Chương trình dự kiến tiêu tốn 776 tỷ yên mỗi năm, lấy từ khoản tăng thuế tiêu dùng. Trẻ dưới 2 tuổi trong gia đình có thu nhập thấp cũng được đến nhà trẻ miễn phí. Nếu phụ huynh gửi con đến các cơ sở không thuộc hệ thống công lập, chính phủ sẽ trợ cấp tối đa 37.000 yên/tháng cho trẻ 3 - 5 tuổi và 42.000 yên/tháng cho trẻ từ 2 tuổi trở xuống. Chi phí này chưa bao gồm các bữa ăn ở trường.
Triển khai chính sách phát triển toàn diện thế hệ tương lai không thể không nhắc tới các chương trình bảo vệ trẻ em. Khảo sát thực tế ở Australia, Thụy Điển cho thấy, việc hình thành hệ thống bảo vệ trẻ em liên quan rất nhiều đến các quy định của pháp luật. Luật pháp của các nước này không chỉ quy định quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện mà còn quy định rất cụ thể về các biện pháp thúc đẩy thực hiện quyền được bảo vệ, quyền sinh tồn của trẻ em. Điển hình như Australia quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong việc phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay sao nhãng chăm sóc và được phép áp dụng các biện pháp can thiệp.
Tương tự, hệ thống luật pháp, chính sách về trẻ em hay quyền trẻ em của các quốc gia này đều quy định cụ thể về việc hình thành và trách nhiệm của các trung tâm công tác xã hội với việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị tổn hại; quy định về các hình thức chăm sóc thay thế, chính sách trợ giúp các gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, quy trình nhận chăm sóc thay thế, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quyền của trẻ em...
Hầu hết quốc gia phát triển đều chú trọng hệ thống trung tâm công tác xã hội để thực hành cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Nga, Thụy Điển là những quốc gia có nhiều trung tâm công tác xã hội trẻ em nhất, riêng thành phố Stockhom của Thụy Điển đã có tới 27 trung tâm. Đây là nơi trẻ em và cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường xuyên lui tới, nhất là trẻ em có vấn đề về tâm lý, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo hành. Ngoài giờ đi học các em có thể đến trung tâm để được tư vấn, trị liệu tâm lý, được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thậm chí tạm lánh một vài ngày nếu môi trường gia đình có nguy cơ không an toàn. Các cán bộ công tác xã hội có trách nhiệm báo cáo lên chính quyền sở tại nếu phát hiện trường hợp trẻ em bị đối xử tệ bạc để tìm ra hướng giải quyết có lợi nhất cho các em.
Theo Giáo sư Lee Jong-wha thuộc Viện Nghiên cứu châu Á (Hàn Quốc), nhiều bằng chứng cho thấy, thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia trong tương lai phụ thuộc không nhỏ vào cam kết và đầu tư cho trẻ em. Vì vậy, tất cả trẻ em đều phải được bảo đảm các dịch vụ xã hội chất lượng, để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các chính sách, luật pháp, cải cách hành chính cần tính đến giải đáp câu hỏi: Liệu quyết định đó có phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em hay không?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.